Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của gia đình người Việt. Làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt, bánh ăn kèm với dưa chua, hành muối tạo nên hương vị riêng của Tết cố truyền. Tuy nhiên, món ăn giàu protein này lại cũng tiềm ẩn nguy cơ có hại đến sức khỏe với một số người.
1. Những ai không nên ăn nhiều bánh chưng
– Người thừa cân, béo phì: Có nguyên liệu chính là gạo nếp nên bánh chưng rất giàu năng lượng do có hàm lượng tinh bột cao, chỉ một góc nhỏ của miếng bánh chưng đã có phần năng lượng tương đương với hai bát cơm tẻ. Chính vì điều này nên những người thừa cân béo phì cần “tránh” món ăn này càng xa càng tốt nếu không muốn tăng cân nhanh chóng trong vài ngày Tết.
– Người mắc bệnh tiểu đường: Những người đang bị bệnh tiểu đường cũng hạn chế không nên ăn nhiều bánh chưng vì sẽ có khả năng tăng đường huyết.
– Người mắc bệnh thận: Những người bị bệnh thận kèm theo các triệu chứng như huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, hoặc mỡ máu cao không nên ăn bánh chưng vì chứa nhiều chất béo, sẽ dẫn tới việc người bệnh có thể bị tăng huyết áp hoặc bị phù nề.
– Người mắc bệnh dạ dày: Ăn nhiều bánh chưng sẽ khiến người đang đau dạ dày bị đầy bụng, khó chịu.
– Phụ nữ đang mang thai: Tết thường có khá nhiều những đồ ăn vặt như ô mai, bánh kẹo, hạt dưa nên khiến mọi người luôn có cảm giác lửng dạ, không thấy đói. Tuy vậy, những phụ nữ có bầu vẫn nên duy trì một chế độ ăn uống điều độ và đủ chất để giữ cho thai nhi phát triển ổn định. Trong thành phần của bánh chưng có thịt mỡ và gạo nếp rất dễ gây nên đầy bụng, khó tiêu, các “bà bầu” cần lưu ý để không ăn quá nhiều món ăn này.
2. Ăn bánh chưng thế nào cho đúng
– Không nên ăn nhiều bánh chưng rán: Đây là món khoái khẩu của khá nhiều người, đặc biệt là khi mọi người đã ngấy với bánh luộc. Thế nhưng, rán một món đồ ăn đã có rất nhiều chất béo sẽ càng khiến cơ thể dễ bị chướng bụng, khó tiêu, ậm ạch.
– Không ăn bánh chưng đã bị mốc: Nhiều người vì tiếc nên khi bánh chưng đã bị mốc vẫn dùng dao cắt bỏ phần mốc và ăn phần bánh còn lại bên trong. Tuy nhiên, khi thực phẩm bị mốc sẽ sản sinh độc tố Aflatoxin gây tác động xấu đến sức khỏe của con người. Vì vậy, bạn nên “mạnh dạn” vứt bỏ chiếc bánh khi phát hiện ra tình trạng mốc.
3. Cách bảo quản bánh chưng
Ở thời tiết lạnh, bánh chưng có thể bảo quản ngoài trời trong thời gian khoảng 10 ngày. Bạn nên treo bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp. Còn khi thời tiết nóng bánh sẽ rất nhanh bị chua khi để bên ngoài. Hoặc bạn cũng có thể bảo quản bánh chưng trong ngăn mát của tủ lạnh. Tuy nhiên ăn đến đâu thì dùng dao cắt nguyên cả vỏ bánh đến đó, phần còn lại dùng màng bọc thực phẩm bọc lại. Việc này giúp cho phần bánh hở ra do bị cắt không bị cứng và bánh không bị lẫn mùi các loại thực phẩm khác trong tủ. Bánh để trong tủ lâu dễ bị “lại gạo”, tức là phần nếp bị cứng, hạt nếp bị co lại như bị sống, bạn chỉ cần hâm lại trong lò vi sóng hoặc hấp cách thủy, bánh sẽ lại mềm như mới.
Ng. TA
Xem thêm video: Cách bó giò hoa ngũ sắc thơm ngon, đẹp mắt ăn Tết