Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển được một hệ thống có khả năng nhận dạng các loài chim dựa trên tiếng kêu của chúng. Hệ thống này có thể giúp các máy bay tránh được chim khi cất cánh hoặc hạ cánh.
Nếu máy bay đâm phải chim trong lúc đang cất cánh, hậu quả có thể rất kinh khủng. Khả năng xảy ra một sự kiện như vậy ở những đường bay thấp gần sân bay là tương đối cao. Radar và những thiết bị hồng ngoại có thể phát hiện ra chim nhưng không thể xác định được đó là loài chim lớn hay bé.
“Va chạm với chim là một trong những nguyên nhân quan trọng trong các tai nạn hàng không, đặc biệt là đối với máy bay loại nhỏ“, Vincent Stanford, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ, bang Maryland, Mỹ, cho biết.
Máy bay rất dễ đâm phải chim ở những đường bay thấp. (Ảnh: AP) |
Theo thống kê của Cơ quan Quản lý hàng không Mỹ, những vụ va chạm với chim đã gây ra thiệt hại tới 2 tỷ USD cho những máy bay trong nước Mỹ kể từ năm 1990.
Kích thước của chim tỷ lệ thuận với mức độ thiệt hại mà chúng có thể gây ra cho máy bay. Chẳng hạn, một con ngỗng là hiểm họa đáng sợ hơn nhiều so với một con mòng biển hay diều hâu.
Nhóm của Stanford tập trung vào một phần mềm nhận dạng giọng người. Họ cộng tác với công ty Intelligent Automation, cũng có trụ sở tại bang Maryland, để thực hiện một vài thay đổi ở phần mềm sao cho nó có thể phân biệt được âm thanh của các loài chim.
Một hệ thống gồm 192 microphone được sắp xếp thành nhiều vòng trong đồng tâm trên mặt đất để “bắt” âm thanh của những loài chim trên không. Mô hình này, được Stanford gọi là “kính viễn vọng âm thanh“, có thể nhận dạng một đàn chim sau khi chúng được phát hiện bằng radar hoặc máy quét hồng ngoại.
Nhiệm vụ đầu tiên của “kính viễn vọng âm thanh” là khuếch đại những âm thanh tới từ các hướng được chọn sẵn. Thời gian tiếp nhận âm thanh của các microphone đương nhiên là khác nhau. Hệ thống máy tính sẽ tính toán độ trễ rất nhỏ giữa những thời điểm đó, nhờ đó phần mềm có thể xác định âm thanh tới từ hướng nào. Con người cũng áp dụng kỹ thuật tương tự để xác định vị trí của âm thanh, tức là não xác định hướng tới của âm thanh sau khi phân tích thời điểm nhận âm của mỗi tai. Chẳng hạn, nếu âm thanh tới từ phía phải thì tai phải sẽ nhận âm thanh trước, rồi mới đến tai trái.
“Chúng tôi đã sử dụng những băng ghi âm tiếng chim để thử nghiệm hệ thống, sau đó cho nó hoạt động ở môi trường thực với nhiều loại tiếng ồn khác nhau. Kết quả hết sức ấn tượng. Kính viễn vọng âm thanh có thể phân biệt âm thanh của các loài chim khác nhau“, Stanford phát biểu.
Theo ông thì phần mềm của hệ thống có khả năng phân biệt âm thanh của một con sếu, một con diều hâu và một con mòng biển trong vòng vài giây. Vào thời điểm hiện tại, “kính viễn vọng âm thanh” chỉ có thể phát hiện ra những âm thanh trong bán kính khoảng 100 m, Stanford cho biết.
“Để có thể sử dụng hệ thống này tại các sân bay, chúng tôi phải nâng phạm vi hoạt động của nó lên khoảng 2,5 km. Điều này có thể thực hiện được nếu tăng thêm số lượng microphone“, ông nói.
Việt Linh
Theo Newscientist, Vnexpress