Báo cáo thứ ba của Liên hiệp quốc về thay đổi khí hậu

Cảnh báo về nguy cơ Trái Đất đang ấm lên, các nhà khoa học được Liên hiệp quốc bảo trợ sẽ đưa ra một nghiên cứu mới vào tuần sau, mô tả cách tránh điều tệ hại nhất, đó là: mọi người đều phải nắm bắt kỹ thuật, từ năng lượng hạt nhân cho đến quản lý phân bón.

Dự thảo báo cáo từ Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), mà phiên bản cuối cùng sẽ được đưa ra tại Bangkok (Thái Lan) vào ngày 4/5 cho biết: khí thải có thể được cắt giảm dưới mức hiện nay nếu thế giới chuyển đổi các nhiên liệu nhiều carbon như than đá, nắm bắt hiệu quả năng lượng và giảm đáng kể nạn phá rừng.

Hai báo cáo trước của IPCC trong năm nay đã vẽ nên một bức tranh về tương lai thảm khốc, trong đó, khí thải nhà kính không suy giảm có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên 6 độ C vào năm 2100.

(Ảnh: dailycamera)

Thậm chí chỉ cần tăng lên 2 độ C cũng có thể khiến 2 tỉ người bị thiếu nước vào năm 2050 và đe dọa tuyệt chủng đối với từ 20 đến 30% các chủng loài của thế giới.

Báo cáo thứ 3 của IPCC nhấn mạnh thế giới phải nhanh chóng nắm lấy sự lựa chọn kỹ thuật, cả những cái đã có sẵn lẫn đang phát triển, để giữ cho nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng lên 2 độ C.

Báo cáo nói rõ các chính phủ có thể giảm chi phí kinh tế nếu nền công nghệ ít carbon được xúc tiến qua các thuế carbon hoặc các hệ thống trao đổi mậu dịch như của châu Âu, trong đó, nền công nghiệp được phân phối các quota khí thải. Các quota này sau đó có thể được trao đổi giữa các công ty nhiều năng suất và các công ty ít năng suất hơn.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Bush đã bác bỏ các yêu cầu cắt giảm khí thải trong Nghị định thư Kyoto -1997, vì cho rằng chúng sẽ làm hại sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Trung Quốc và các nước đang phát triển khác đã được Nghị định thư Kyoto -1997 cho phép miễn cắt giảm khí thải, nhưng thực tế cho thấy tình trạng gia tăng khí thải nhà kính hầu như đang đến từ thế giới đang phát triển.

CTNN

 

Theo AP, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh