“Bão” châu chấu trong kinh thánh là có thật

0
137

Để trừng phạt các Pharaoh vì đã kìm giữ dân Do Thái, Chúa trời gieo xuống Ai Cập 10 tai họa, trong đó có trận dịch châu chấu khủng khiếp. Các nhà khoa học cho rằng câu chuyện này trong Kinh thánh có thể là sự thật.

Theo kinh Cựu ước cách đây hơn 3.000 năm, người Do Thái sau một thời gian phát triển thịnh thượng trên đất Ai Cập đã bị chính quyền nước này bắt làm nô lệ, đời sống khổ cực. Để cứu vớt họ, và cũng để thực hiện lời hứa với tổ tiên họ, Chúa đã sai Moise, một người Do Thái được nuôi trong hoàng cung Ai Cập, đưa dân mình trở về.

Cùng với các sứ giả của dân Do Thái, Moise đã đề nghị pharaoh cho người Do Thái được rời Ai Cập, nhưng nhà vua kiên quyết không chấp nhận. Phải sau khi nhận đủ kinh hoàng từ 10 tai họa mà Chúa giáng xuống, pharaoh mới để họ đi. “Bão” châu chấu là một trong 10 tai họa đó.

Dịch châu chấu có thể gây nạn đói. (Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống)

Theo kinh thánh, Chúa trời đã cho châu chấu “che kín tất cả diện tích của đất nước”. Loài côn trùng phàm ăn này đã chén sạch các nông phẩm và đẩy cư dân rơi vào nạn đói khủng khiếp.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, thảm họa châu chấu thời Ai Cập cổ được ghi lại trong kinh thánh là có cơ sở. Họ cho rằng đội quân châu chấu hàng triệu con tấn công Ai Cập gây ra đại họa thời đó có thể do tác động của sự phun trào núi lửa Santonin (cách bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập chừng 70 km).

Vào khoảng năm 1.600 trước Công nguyên, ngọn núi này bùng nổ dữ dội, phun một lượng lớn nham thạch và tro phủ kín một vùng rộng tới 30 km2. Chính những tác động về môi trường này đã làm đàn châu chấu, vốn sinh sống xung quanh Biển Đỏ, đã tập trung về Ai Cập. Chúng di chuyển với tốc độ kinh hoàng vì được sự trợ giúp của gió sa mạc.

Đó là dòng châu chấu râu ngắn (họ Acrididae) có khả năng thay đổi màu sắc và hành vi khi mật độ quần thể lớn. Cùng với tốc độ sinh sản cực nhanh, có nơi hiện diện 200 con trên một mét vuông diện tích đất trồng, mỗi ngày tăng thể trọng lên gấp đôi. Chúng thực sự có thể biến một vương quốc sầm uất thành hoang mạc.

Châu chấu có khả năng kỳ lạ

Người ta không hiểu tại sao loài châu chấu cách đây khoảng 3-5 triệu năm đã từ châu Phi vượt qua Đại Tây Dương và bay đến châu Mỹ; trong khi mỗi con chỉ nặng trung bình 0,2-7 g. Nghĩa là dinh dưỡng dự trữ trên mỗi con châu chấu không đủ giúp chúng thực hiện cuộc hành trình dài đến như vậy.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy châu chấu có hệ cơ bắp rất phát triển nên có bước nhảy xa tới gần 1 m. Các đàn châu chấu có khả năng di chuyển từ vài km cho tới trên 100 km mỗi ngày, hay 3.500 km mỗi tháng, tương đương với một cơn bão cấp 12.

Mắt của loài châu chấu cũng rất đặc biệt. Trong một giây, chúng có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh hơn con người. Chúng phản ứng cực nhanh với những vật đang chuyển động xung quanh ở cự ly gần và tránh né trước khi va chạm. Điều này giúp loài châu chấu có khả năng di chuyển theo từng đàn dày đặc.

Các đàn châu chấu với mật độ lên tới 80 triệu con/km2 có thể san phẳng bất cứ những gì chúng gặp. Bản năng di chuyển theo đàn của châu chấu có liên quan đến cách đẻ trứng của chúng.

Vào mùa giao phối, châu chấu thường tập trung đẻ trứng hàng loạt trên một phạm vi hẹp và nở đồng loạt. Mỗi ổ trứng chứa tới 120 quả. Chỉ sau nửa tháng, chúng sẽ trưởng thành. Các con non khi ra đời đã có thói quen sống và di chuyển theo bầy đàn. Mặt khác, việc sống bầy đàn sẽ giúp chúng giữ được nhiệt độ cơ thể, một yếu tố sống còn với loài côn trùng.

Cách thức di chuyển của chúng cũng rất kỳ lạ, chỉ cần một con bay lên là cả đàn hàng triệu con sẽ di chuyển, tạo nên một cơn bão châu chấu. Mưa nhiều trong mùa sinh sản cũng là một trong những nguyên nhân làm chúng phát triển nhanh hơn.

Thảm họa đói nghèo

Di chuyển với tốc độ 100 km/ngày, những đàn châu chấu hàng triệu con đã thực sự trở thành “cơn bão” tàn phá tất cả những nơi mà chúng đi qua. Hậu quả mà chúng để lại là đói nghèo, bệnh tật. Hàng nghìn năm qua, những “cơn bão châu chấu” vẫn ám ảnh loài người và vẫn chưa có cách khống chế hữu hiệu.

Thế kỷ 20 có rất nhiều đại dịch châu chấu như các năm 1926-1934, 1940-1948, 1986-1989… Chúng tràn vào một diện tích đất rộng 30 triệu km2 tại khoảng 60 nước (20% diện tích đất trên hành tinh), chén sạch mọi cánh đồng ngô, sắn và các loại cây lương thực khác trong vùng.

Châu chấu tàn phá hơn 6 triệu ha đất canh tác tại tây bắc châu Phi. Người ta ước tính, chỉ vài phút đồng hồ, chúng đã ăn hết lượng lương thực đủ dùng cho hơn 2.000 người trong một ngày. Chúng hiện diện khắp châu Phi và là nguyên nhân chính gây ra nạn đói tại Sudan.

Tại Việt Nam, nhiều tài liệu đã ghi nhận có “bão châu chấu” vào thời vua Tự Đức (1838-1840) làm mùa màng thất bát, nhân dân đói khổ. Châu chấu thường gây đại dịch ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ vào khoảng tháng 6-7 hằng năm. Gần đây nhất, tháng 9/2007, “giặc” châu chấu đã tấn công nhiều khu vực của Nghệ An, gây không ít khó khăn cho nhân dân trong vùng.

Để ngăn chặn thảm họa châu chấu, các nhà khoa học đã tìm đủ mọi cách, như dùng vệ tinh nhân tạo để dự đoán hướng đi của “cơn bão”. Tuy nhiên, các dự đoán đôi lúc không chính xác, bởi chúng hay đổi hướng khó lường. Hơn nữa, “cơn bão” này càng đi càng mạnh lên. Tại châu Phi, các loại thiết bị hiện đại nhất đã được huy động để chặn “bão châu chấu“, nhưng đều chưa có hiệu quả.

Vào năm 2004, người ta đã sử dụng máy bay để phun hóa chất cho gần 11 triệu ha đất, chỉ để diệt châu chấu. Phương pháp này khá hiệu quả, nhưng chưa phá tan được nạn châu chấu thì đã gây hại cho môi trường.

Gần đây, các nhà khoa học đã thử nghiệm phương pháp sinh học để khống chế “bão châu chấu“. Người ta sử dụng một loại nấm có tên là Metarhizium anisopliae. Chúng có thể tiêu diệt châu chấu song lại vô hại với những thực vật và động vật khác. Song tất cả những biện pháp trên vẫn chỉ hạn chế tác hại của “bão châu chấu” chứ chưa hề chấm dứt được chúng.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống