Bạo lực học đường, vì đâu nên nỗi?

Mấy ngày vừa qua, dư luận lại xôn xao phẫn nộ vì clip học sinh đánh bạn ở Trà Vinh, và thật đáng buồn vì đây cũng không phải lần đầu chúng ta được xem các kiểu clip đánh nhau thế. Là một người cũng có con đang đi học, tôi không khỏi lo lắng cho những đứa con của mình…

Tôi vẫn nhớ ngày xưa đi học, học sinh ai cũng quần xanh áo trắng, tóc tai gọn gàng giản dị lắm. Ngày nay, ra đường thấy đám học sinh đi xe máy, xe điện dàn hàng ngang là muốn… tránh xa! Nói thật, đôi khi tôi không thể phân biệt được ai với ai, vì các nữ sinh thì cứ na ná nhau: tóc vàng rực, xoăn xoăn thẳng thẳng, mặt trắng tinh, môi đỏ chót. Quần áo thì rách chỗ này, vá chỗ kia, không rách không vá thì cũng mỏng dính hoặc ngắn trên hở dưới. Ngày xưa tụi học sinh lớp 7, lớp 8 còn vô tư hồn nhiên cười đùa, chỉ thích nhảy dây, trốn tìm, đuổi bắt,… thì giờ, hết đánh nhau, ghen tuông đến yêu đương loạn hết cả.

Không chỉ ở những thành phố lớn, thực trạng này xảy ra khắp nơi. Sự lạnh lùng đáng sợ của các em khiến người lớn chúng ta rùng mình. Nguyên nhân do đâu? Chúng ta vẫn đổ lỗi tại thời đại phát triển, tại công nghệ thông tin, internet phổ cập khiến các em dễ dàng bị tiêm nhiễm những hành vi xấu, những game có thiên hướng bạo lực, tình dục xuất hiện nhan nhản. Nhưng liệu đấy có phải nguyên nhân không nếu các bậc phụ huynh biết quan tâm, chăm lo cho con em mình? Tôi nhớ, nếu trước đây 1 ông bố ngồi vót cho con gái bộ que chuyền, đẽo cho con trai con quay con cù là chiều con lắm rồi, thì giờ đây bố mẹ cứ vứt cho con một chiếc smartphone mới là yêu con.

Khá giỏi để làm gì khi các em có lối sống và đạo đức ngày một xuống dốc? (Ảnh minh họa)

Trẻ con bây giờ nghèo lắm! Vật chất tuy dư giả nhưng đôi khi, cái chúng thiếu là một sự giáo dục đầy đủ và chuẩn mực. Tại sao phải bắt con viết chữ đẹp, tại sao phải bắt con học thêm đến không còn chút thời gian vui chơi,… Để làm gì? Nhiều đứa trẻ mới vào lớp 1 đã bị bố mẹ bắt học thêm đủ loại ngoại ngữ, toán, luyện chữ. Trong khi cái cần dạy là đạo đức đi thưa về hỏi, là thiên nhiên, môi trường xã hội thì chả thấy đâu, môn đạo đức hay giáo dục công dân luôn bị coi thường,nên chẳng khó hiểu khi trẻ em bây giờ không thể phân biệt con vịt với con ngan.

Tôi có đứa cháu trai ở thành phố về quê, năm nay lớp 4 rồi nhưng khi đi qua cánh đồng, thấy đàn vịt bơi mà bảo là… đàn cò. Rồi không phân biệt được cả trâu và bò. Tôi ngỡ ngàng nhìn cháu mình vì thằng bé luôn được ca ngợi là học giỏi lắm, thông minh lắm. Vậy mà kiến thức tự nhiên thì không có chút nào. Về nhà thấy ông bà ngồi đó cũng không bao giờ chủ động chào hỏi. Lúc nào cũng học và học, khi giải trí thì cầm điện thoại chơi game. Mà game thì có phải những trò chơi lành mạnh gì đâu, bắn nhau đánh nhau, dao kiếm, máu me, nói chung là ngập tràn cảnh bạo lực. Người ta nói viết lên giấy trắng thì dễ, bộ não trẻ con cũng vậy, phải dạy con từ thuở còn thơ. Đây là thời điểm trẻ dễ tiếp thu, ghi nhớ rất sâu, bản thân cha mẹ cũng phải thay đổi lối sống để con cái noi theo. Một thời điểm vàng để dạy trẻ những điều hay lẽ phải vậy mà chúng ta lãng phí nó, lại cho trẻ tiếp xúc với bao nhiêu thứ công nghệ, điện thoại, phim ảnh, thử hỏi làm sao chúng không bị ám ảnh.

Một câu chuyện khác, tôi có thằng cháu mới 4 tuổi, một hôm bà ngoại hoá vàng xong đưa cho cháu bao thuốc bảo cất đi cho cậu. Thằng bé cầm bao thuốc chạy vào nhà châm lửa hút, may mà cả nhà phát hiện kịp. Đến khi mắng và dọa rằng “hút thuốc sẽ làm ung thư và chết sớm đấy”, hồn nhiên đáp: “Ung thư là gì ạ? Bà cứ dọa con, cậu hút có chết đâu, sao bà không cho con hút?”.

Đấy, ở cái tuổi này thì mọi hành vi của người lớn đều được trẻ ghi lại và có thể làm theo. Đâu thể chỉ nói và bắt trẻ làm theo được. Từ bé không được giáo dục đầy đủ, lại sớm tiếp xúc với môi trường ảo ở phim ảnh, game,… khiến tâm lý trẻ thực sự khó nắm bắt.

Đừng đổ tại trẻ hay đổ tại thời đại phát triển, hãy nhận lỗi về chính chúng ta, những người lớn đã bỏ quên đi trách nhiệm của mình. Lúc nào cũng muốn con thành công, thành tài nhưng con đường chúng ta chọn đã đúng chưa? Liệu có phải chỉ học và học sẽ mang tới một tương lai tươi sáng?

Lại nói vụ clip đánh nhau ở Trà Vinh, trong đó còn có sự tham gia của cả lớp trưởng và những em học sinh có học lực khá giỏi của lớp. Vậy, khá giỏi để làm gì khi các em có lối sống và đạo đức ngày một xuống dốc như vậy? Cầm bằng khen học sinh giỏi có gì đáng tự hào không? Vì vậy, hãy thay đổi từ chính tư duy của người lớn chúng ta, thành công không chỉ đến từ việc học, nó là quà trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và nhân cách.

Mèo Hoa

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.