Do tác động địa từ của cơn bão Mặt Trời lớn, nhiều khu vực ở hai bán cầu trên thế giới hôm qua có thể chiêm ngưỡng hiện tượng ánh sáng cực quang.
>> Bão Mặt Trời tấn công làm tê liệt mạng lưới điện và thông tin liên lạc
Ngắm ảnh cực quang tuyệt đẹp ở hai bán cầu trên thế giới
Bão Mặt Trời hôm 17/3 lao vào Trái Đất với tác động địa từ lớn, có thể ảnh hưởng đến lưới điện và hệ thống định vị toàn cầu GPS. Nhưng hiện tượng này đồng thời tạo ra màn trình diễn ánh sáng nhiều màu sắc của cực quang trên bầu trời Mỹ, châu Âu, Australia, New Zealand hôm qua. (Ảnh: CNN)
Cực quang xuất hiện ở bắc bán cầu Trái Đất được gọi là bắc cực quang, hay ánh sáng bắc cực và gọi là nam cực quang khi được quan sát trên bầu trời ở khu vực nam bán cầu. (Ảnh: CNN)
Khi cơn bão Mặt Trời tạo ra tác động địa từ lớn, người dân ở một số khu vực tại hai bán cầu hôm qua đều có thể quan sát hiện tượng quang học này. Trong ảnh là bắc cực quang ở Craven, tỉnh Saskatchewan, Canada. (Ảnh: CNN)
Những dải ánh sáng xanh trên bầu trời bang Michigan, Mỹ. (Ảnh: CNN)
Cực quang được nhìn từ Mikhailovsky, thuộc vùng Ryazan của Nga. (Ảnh: RIA Novosti)
Đặc trưng của cực quang là sự xuất hiện của ánh sáng nhiều màu sắc trên bầu trời vào ban đêm. Hiện tượng này sinh ra các dải sáng liên tục chuyển động và thay đổi. (Ảnh: CNN)
Ánh sáng của cực quang được sinh ra từ quá trình tương tác giữa các hạt năng lượng Mặt Trời và tầng khí quyển Trái Đất. Năng lượng từ các vụ va chạm tạo ra các hạt ánh sáng và khiến các hạt phát sáng. Trong ảnh là màn chuyển động ánh sáng ở Latvia. (Ảnh: CNN)
“Khi các hạt tích điện tấn công từ trường Trái Đất ở vùng khí quyển cao hơn, sự va chạm thường tạo ra màu sắc rực rỡ hơn”, chuyên gia khí tượng học Todd Borek của CNN nói. Khi bão Mặt Trời càng mạnh, khu vực nhìn thấy cực quang ở vùng phía nam càng xa hơn. (Ảnh: CNN)
Bão Mặt Trời hôm 17/3 mạnh cấp 4 và được coi là cấp nguy hiểm trong thang 5 bậc của Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) về tác động địa từ. Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công Trái Đất kể từ năm 2013. (Ảnh: Chris Murray)
Theo các chuyên gia, cơn bão có thể ảnh hưởng đến lưới điện, theo dõi bản đồ và định vị. Hoạt động của nó đôi khi gây gián đoạn liên lạc vệ tinh, nhưng chưa có báo cáo nào trong trường hợp này. (Ảnh: Chris Murray)
Cực quang nhìn từ cảng Whitehaven Harbour, hạt Cumbria, Anh. Những “dải lụa ánh sáng” xuất hiện thường xuyên nhất vào khoảng từ tháng 9, tháng 10, sau đó được quan sát trở lại trong khoảng tháng 3, tháng 4. (Ảnh: Ade Fisher)
Hầu hết cực quang đều có màu xanh, tuy nhiên có nhiều trường hợp chúng mang màu hồng hoặc hơi đỏ. (Ảnh: CNN)
Theo VnExpress