Chiều 14/10, bão Parma đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở vùng biển bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh. Liên tục đổi hướng, cường độ lúc mạnh lúc yếu, cơn bão này như đánh đố các nhà khí tượng và người làm công tác phòng chống lụt bão.
Các đài khí tượng đều dự báo rất khác nhau về đường đi của bão kể từ khi bão vào đảo Luzon (Philippines) ngày 3/10 và quay trở lại đảo này vào ngày 7/10. Thực tế là bão đi luẩn quẩn, hai lần đi vào biển Đông, và tạo thành 3 điểm thắt nút trên đường đi.
Chỉ khi vào biển Đông lần thứ hai (ngày 9/10) và tiến đến đảo Hải Nam (Trung Quốc), với đường đi rõ ràng hơn, các đài mới dự báo tương đối thống nhất. Nhưng khi bão vào Hải Nam, nếu như cơ quan khí tượng của Việt Nam nói bão duy trì cấp 8 thì đài Nhật Bản lại nói bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo dõi diễn biến cơn bão Parma, ông Lê Văn Thảo, nguyên trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đánh giá: “Cơn bão này tương đối phức tạp, thể hiện ở cả đường đi và cường độ“.
Duy trì suốt 17 ngày, bão Parma đã 2 lần quét qua đảo Luzon (Philippines), 2 lần đi vào biển Đông. (Ảnh: NCMHF) |
Ông Thảo phân tích, vào biển Đông lần thứ nhất (ngày 4/10), Parma đạt cấp 12, là rất mạnh, nhưng vẫn yếu hơn bão Melor ở phía đông Philippines (cấp 15-16). Do cự ly hai cơn bão chưa tới 2.000 km, Melor mạnh hơn nên đã “lôi” Parma quay trở lại đảo Luzon (Philippines) lần thứ hai và hoành hành ở đảo này tới 3 ngày gây mưa lớn, sạt lở đất.
Ngày 9/10, thoát khỏi sự kiềm tỏa của Melor, bão Parma quay lại biển Đông, cường độ mạnh cấp 8 và đi theo đúng quỹ đạo của nó là hướng lên tây tây bắc, nhắm vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Về lý thuyết, vào đảo, gặp ma sát, lại ở giai đoạn cuối đời, bão sẽ suy yếu. Đài Nhật Bản vì thế đã dự báo bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, nó đã không yếu mà lại mạnh thêm 2 cấp, thành cấp 10 khi vào vịnh Bắc Bộ.
Giải thích sự mạnh thêm này, ông Thảo nói: “Đi vào vịnh Bắc Bộ, gặp môi trường thoáng, nhiệt độ nước biển không thấp, đã tiếp thêm năng lượng cho bão. Một lý do khác là bộ phận không khí lạnh từ Trung Quốc đang tràn đến miền Bắc. Sự tương tác xa với không khí lạnh đã làm chênh lệch khí áp trong và ngoài cơn bão tăng lên, tạo điều kiện để bão mạnh thêm. Khi vào Bạch Long Vĩ, bão đạt đạt cấp 10“.
Cũng theo ông Thảo, chiều 13/10, khi vượt qua đảo Bạch Long Vĩ, trên cao xuất hiện một hình thái thời tiết mới khiến bão di chuyển chậm lại. “Vì đi chậm, lại gây mưa và càng vào giai đoạn cuối của cuộc đời, nên bão giảm năng lượng và suy yếu. Một lý do quan trọng khác là chiều và đêm 13/10, không khí lạnh tràn về, làm nhiệt độ không khí hạ xuống còn 20-21 độ C, nước biển lạnh đi, khối không khí lạnh khô xâm nhập sâu, khiến bão không còn cơ hội để duy trì sức mạnh“, ông Thảo giải thích.
Đường đi cơn bão Parma theo Tropical Storm Risk |
Vì đường đi rắc rối, đã có lúc suy yếu xuống còn cấp 8 nên ở nhiều địa phương có tâm lý chủ quan. Chính vì vậy, chiều 13/10, khi bão đã mạnh từ cấp 8 lên cấp 10, gây thiệt hại cho đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải họp khẩn cấp, yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh phải gấp rút sơ tán dân, phải cảnh giác cao độ. Phó thủ tướng lệnh chậm nhất là 22h đêm phải hoàn tất công tác chống bão. 3 đoàn công tác của trung ương cấp tốc chiều 13/10 phải xuống các địa bàn xung yếu.
Suốt chiều và tối qua, các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã phải sơ tán gần 30.000 dân ở vùng ven đê, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Cả đêm qua người dân và cả người làm công tác phòng chống lụt bão đều gần như thức trắng để canh bão đổ bộ. Bởi theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ 1 đến 3h sáng 14/10. Các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng do không khí lạnh kết hợp với bão.
Nhưng cuối cùng bão đã không vào như dự báo, mà lại xuôi xuống phía nam và đến 16h chiều 14/10 thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến sát vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Ninh Bình.
Trao đổi với VnExpress chiều 14/10, ông Điện, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, nói vui: “Suốt đêm qua thức trắng, vợ còn nổi cáu vì không về nhà lo chống bão mà cứ đi chống bão cho người. Nhưng rất may, bão tan rồi, mọi việc tốt đẹp, không có thiệt hại. Bà con trong diện phải di dời đã trở về nhà“.
Từ Nam Định, ông Đỗ Văn Khánh, Chi cục trưởng quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết, bão Parma luẩn quẩn ở mấy huyện ven biển chỉ gây gió mạnh cấp 5-6, gây mưa nhỏ và đến cuối chiều nay thì chưa gây thiệt hại gì. Các tuyến đê biển vẫn an toàn.
Được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines vào ngày 28/9, bão Parma chịu ảnh hưởng của siêu bão Melor nên đường đi rất kỳ dị. Bão đã hai lần quét qua đảo Luzon (Philippines), hai lần đi vào biển Đông và tạo nhiều nút thắt trên đường đi. Quét qua Philippines lần thứ nhất, bão làm ít nhất 16 người chết. Lần thứ hai quay trở lại, bão đã gây mưa lớn, sạt lở đất làm 160 người chết.
Theo Hồng Khánh – Vnexpress