Kết hợp công nghệ bơm nhiệt và lò vi sóng không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản và giữ được chất lượng nông sản như ban đầu, mà còn giúp tiết kiệm năng lượng so với các công nghệ khác.
Trước những tổn thất về nông sản sau thu hoạch khiến sản phẩm khó cạnh tranh trên trường quốc tế, Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống sấy sử dụng kết hợp bơm nhiệt và vi sóng để sấy một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu”.
Sau 5 năm, các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra phương pháp khá mới mẻ ở Việt Nam và được đánh giá khả thi nhất để bảo quản nông sản.
Hệ thống sấy bơm nhiệt và vi sóng đã được thử nghiệm trên các sản phẩm của một công ty ở Thái Bình và được đánh giá cao với ưu điểm bảo tồn được các vitamin, hợp chất hữu có ích của sản phẩm tươi. (Ảnh: Lê Hoàn).
Công nghệ sấy bơm nhiệt và vi sóng đã được thử nghiệm trên các sản phẩm của một công ty ở Thái Bình. Ảnh: Đinh Hoàn.
Trong đó, công nghệ bơm nhiệt có ưu điểm là nhiệt độ sấy thấp, chi phí cũng như tiêu thụ năng lượng ít hơn nhiều so với sấy thăng hoa hay chân không. Phương pháp này giúp sản phẩm tươi hơn nhờ bảo tồn được vitamin và hợp chất hữu cơ có ích, đồng thời giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên nhất là với các sản phẩm chứa tinh dầu, hương hoa, dược phẩm.
Với công nghệ lò vi sóng, sản phẩm sẽ khô đều trong toàn bộ thể tích và rút ngắn thời gian sấy. Đây cũng là ưu điểm vượt trội của công nghệ sấy vi sóng so với sấy nóng và lạnh.
Tiến sĩ Vũ Huy Khuê, chủ nhiệm đề tài cho biết, thành công trong việc “lai ghép” hai công nghệ đã giúp nhóm nghiên cứu tạo ra phương pháp sấy giữ nguyên được các ưu điểm vượt trội, tăng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng đáng kể so với sử dụng riêng biệt từng công nghệ.
Dù xuất hiện một số hệ thống sấy kết hợp bơm nhiệt, vi sóng và sấy chân không mang lại hiệu qua tốt, nhưng theo các chuyên gia cách làm này có giá thành cao, nên sấy bơm nhiệt kết hợp vi sóng là khả thi nhất, cũng là xu thế đang được các nước phát triển thế giới tập trung nghiên cứu.
Thời gian tới, tiến sĩ Khuê cùng đồng nghiệp sẽ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp theo hình thức trọn gói hoặc có đào tạo, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các hệ thống tương tự có các dải công suất khác nhau.
Theo VnExpress