Đó là Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, được Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lập nhằm bảo tồn nguồn gene bản địa. Nằm trên diện tích hơn 170 ha, song đội ngũ “vận hành” trạm chỉ có 8 người.
Công sở chốn thiên nhiên
“Cách xa dân hàng chục cây số, anh em chúng tôi thường đùa với nhau đây là “trại tù”. Tuy nhiên làm việc ở đây lại thoải mái, không bị phụ thuộc giờ giấc như công chức”, TS Lê Đồng Tấn, Trưởng trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, nói.
TS Lê Đồng Tấn giới thiệu 88 loài cây được mang về trồng ở trạm (Ảnh: H. Quân)
Triển lãm âm thầm
TS Tấn kể, khi tiếp nhận khu vực rộng hơn 170ha để thành lập trạm vào năm 1999, phần diện tích rừng tự nhiên nhân tạo của trạm này chỉ được người dân trồng cây keo và thảm guột tự nhiên. “Hiện trạm có hơn 1.200 chủng loại cây tự nhiên và nhân tạo”, TS Tấn nói.
“Hệ sinh thái”của trạm giờ đây không chỉ có các loài cây bản địa mà còn được bổ sung 88 loài thực vật trên khắp đất nước như kim giao, nghiến, sưa, sao đen, nhội, lát hoa, vàng anh, kháo, chò nâu… Một số loài hươu, rùa… bản địa cũng được được các nhà khoa học đưa tới đây nuôi. “Bộ sưu tập động vật ở trạm hiện chỉ có 11 loài rùa với hơn 50 cá thể và 8 con hươu. Các loài rùa như rùa Trung Bộ, Đất Lớn, Bốn Mắt, Núi Vàng, Sê-pôn, Sa nhân… được nuôi trong môi trường tự nhiên và bán tự nhiên để so sánh. Trạm chỉ mới có một nhân viên kiêm nhiệm cho động vật ăn và theo dõi sức khỏe của chúng”, TS Tấn cho biết.
Phần lớn rùa được tiếp nhận từ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn hoặc từ các nghiên cứu khoa học, còn hươu được mang từ vùng núi phía tây Nghệ An về.
Hơn 300 mẫu lan đều được gắn số hiệu để theo dõi (Ảnh: H. Quân)
Theo Báo Đất Việt