Hai xạ thủ bắn tỉa chuyên nghiệp vừa được điều tới một vườn quốc gia tại Australia để bảo vệ quần thể chim cánh cụt tiên ở đây. Việc này diễn ra sau khi người ta phát hiện nhiều xác chim cánh cụt trong vườn quốc gia.
Những xác chim cánh cụt tiên Australia đầu tiên được phát hiện trên bờ biển Manly, gần cảng Sydney. Máu của chúng vương vãi trên cát. Vài ngày sau, sát thủ bí ẩn lại ra tay với chim cánh cụt tại một số vách đá gần bãi biển Manly, nằm trong vườn quốc gia New South Wales .
Căn cứ vào những vết máu và kết quả phân tích ADN, cảnh sát phác họa những đặc điểm cơ bản của sát thủ bí mật là có tốc độ nhanh và có lông. Tổng số chim cánh cụt bị giết tại hai nơi là 9 con. Các chuyên gia đoán sát thủ có thể là cáo, chó rừng hoặc cả hai.
Sau các cuộc điều tra, giới chức loại bỏ con người ra khỏi danh sách nghi vấn, bởi những vết cắn trên cơ thể chim cánh cụt và vệt máu cho thấy sát thủ có thể là cáo. Loài động vật này thường ngậm chặt con mồi rồi chạy. Trong lúc chạy chúng sẽ lắc con mồi cho đến khi nó chết. Do đó máu của chim cánh cụt vương vãi khắp nơi.
Chim cánh cụt tiên tại Australia. (Ảnh: Animalpicturesarchive) |
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, với chiều cao 43 cm, chim cánh cụt tiên Australia không phải là con mồi phù hợp đối với cáo hay chó. Khoảng 30 tình nguyện viên đã thay phiên nhau canh gác vào ban đêm để bảo vệ lũ chim. Các nhân viên của vườn quốc gia New South Wales cũng đặt bẫy cáo, song chưa có con vật nào mắc bẫy.
Trước tình thế đó, giới chức đã phái hai xạ thủ bắn tỉa tới vườn quốc gia New South Wales để bảo vệ chim cánh cụt tiên. Họ sẽ đi tuần vào ban đêm và được phép bắn những con vật giết hại chim.
Chim cánh cụt tiên (Eudyptula minor) là loài chim cánh cụt nhỏ nhất hành tinh, sống gần các bờ biển ở New Zealand và miền nam Australia. Chúng có nhiều tên, trong đó tên gọi phổ biến nhất là chim cánh cụt nhỏ. Còn người dân New Zealand gọi chúng là chim cánh cụt lưng xanh vì bộ lông ở lưng của chúng có màu xanh da dương.
Theo Minh Long – Vnexpress (BBC, Foxnews)