Tờ Miningweekly cho hay, đầu tháng 6 vừa qua, chính quyền bang Queenland tuyên bố sẽ đưa vùng lưu vực sông Wenlock trên bán đảo Cape York vào diện được bảo tồn theo Luật bảo vệ các con sông tự nhiên. Theo đó, toàn bộ khu vực có bán kính 500 m tính từ lưu vực sông Wenlock sẽ trở thành khu bảo tồn sinh thái thuộc quyền quản lý của chính phủ.
Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, ngày 4/6, lãnh đạo Công ty khai khoáng Cape Alumina cho rằng quyết định của chính quyền bang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự án khai thác bauxite có giá trị kinh tế hơn 1 tỉ USD đang triển khai tại khu vực nói trên.
Dự án khai thác bauxite, Pisolite Hills của Cape Alumina có số vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Australia (AUD, khoảng 980 triệu USD) đã triển khai từ hơn một năm trước đây. Theo kế hoạch ban đầu, Cape Alumina sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy vào năm 2012 tới đây. Tới nay, công ty này đã phải bỏ ra 22 triệu AUD cho các công tác chuẩn bị, trong đó bao gồm việc khảo sát tác động môi trường của dự án.
Thông qua tính toán, công ty này khẳng định, việc chính quyền bang quyết định đưa lưu vực sông Wenlock trong phạm vi bán kính 500 m vào diện bảo tồn tự nhiên sẽ khiến sản lượng bauxite giảm 45% so với dự kiến ban đầu.
Từ đó, Cape Alumina đã đề nghị chính quyền bang giảm đường kính của phạm vi bảo tồn xuống còn 200 m để đảm bảo tính khả thi của dự án. Đồng thời khẳng định, các chuyên gia hoạt động độc lập của họ cho rằng bán kính 200 m vẫn phù hợp với các tiểu chuẩn về tác động môi đối với môi trường.
Tuy nhiên, 18/10 vừa qua, người đứng đầu Sở tài nguyên bang Queensland, Stephen Robertson tuyên bố, chính quyền bang bác bỏ đề nghị giảm bán kính khu bảo tồn của Công ty Cape Alumina. “Tôi đã đích thân đến quan sát sông Wenlock và nhận thấy môi trường ở đó cần được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Cùng ngày, lãnh đạo công ty Cape Alumina đã tuyên bố hủy dự án khai thác bauxite tại đây. Cape Alumina cũng cho rằng, quyết định của chính quyền bang đã khiến Queensland đánh mất 1,2 tỉ AUD giá trị từ các hoạt động kinh tế mới và hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân vùng này.
Đáp lại, ông Robertson cho rằng: “Thực tế cho thấy ngành khai khoáng không mang lại lợi ích cho các cộng đồng bản xứ. Các công ty đến hứa hẹn tất cả, nhưng cuối cùng họ ra đi với một mớ tiền sau khi phá hủy tan tành môi trường”.
Mặc dù quyết định của chính quyền bang sẽ phải đối mặt với những đơn kiện cũng như yêu cầu bồi thường từ phía Công ty Cape Alumina, tuy nhiên, những người lãnh đạo của Queenlands khẳng định đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Ông Robertson khẳng định, Luật bảo vệ các con sông tự nhiên được lập ra nhằm bảo vệ những cảnh quan tự nhiên nguyên thủy của bang. “Đây là đạo luật giúp cân bằng giữa bảo vệ di sản thiên nhiên cho tương lai và sự phát triển bền vững”.
Trong khi đó, thủ hiến Queenlands, bà Anna Bligh khẳng định, bà không hề hối tiếc vì dự án khổng lồ của Cape Alumina phải hủy bỏ. Theo bà, việc này là một thắng lợi lớn cho môi trường và các thế hệ tương lai.
Theo Vietnamnet, Miningweekly