Từ thời cổ đại, việc quan sát móng tay đã được xem là một căn cứ để đoán bệnh. Đôi khi sự thay đổi của móng tay cho ta biết vấn đề tiềm ẩn trong tim, gan, phổi. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, nhiều chị em có sở thích sơn móng tay dù được các chuyên gia khuyên nên hạn chế bởi trong sơn móng tay có chứa hàm lượng hóa chất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, việc theo dõi sự thay đổi của móng tay ít được mọi người để ý tới.
Khi cơ thể khỏe mạnh, móng tay thường có màu hồng nhạt, phần gốc có màu trắng, bề mặt sáng, mịn màng, không có gờ rãnh hay màu sắc khác lạ. Nhưng nếu nhận thấy những thay đổi bất thường của móng tay, hãy kiểm tra lại tình hình sức khỏe của bạn. Cùng quan sát và tìm hiểu vấn đề sức khỏe của mình qua những thông tin dưới đây.
Khi móng tay dày và hơi vàng: Nếu bạn thấy móng tay của mình chuyển sang màu hơi vàng, đây là một dấu hiệu nguy hiểm mà bạn không nên bỏ qua. Đó có thể là triệu chứng ban đầu cho thấy thận của bạn đang gặp vấn đề, hay bạn bị nấm móng do sử dụng nhiều sơn móng tay hoặc cũng có thể là bệnh vảy nến, viêm khớp phản ứng. Nếu vừa có màu vàng, vừa dày và mọc chậm thì rất có thể đó là lời cảnh báo cho các bệnh liên quan đến phế quản.
Móng tay giòn và nứt: Khi móng tay trở nên khô, giòn và dễ gãy đặc biệt là mùa đông thì cho thấy cơ thể của bạn đang xảy ra quá trình lão hóa, hay là hậu quả của việc sử dụng sơn móng tay, nước rửa bát, các chất tẩy rửa lâu ngày. Đôi khi, những dấu hiệu này là biểu hiện của bệnh nấm móng, vảy nến hay các vấn đề về tuyến giáp.
Màu móng tay nhợt nhạt: Điều này chứng tỏ cơ thể có nồng độ tế bào hồng cầu thấp. Để móng tay có màu hồng trở lại bạn chỉ cần bổ sung thêm sắt. Lượng hồng cầu thấp rất dễ gây ra các bệnh như tiểu đường, bệnh gan, suy thận, hay các vấn đề về tuyến giáp.
Móng tay ngả màu xanh đen: Nếu thấy có dấu hiệu này, chứng tỏ móng tay bạn đã bị nhiễm khuẩn hoặc các bệnh liên quan đến hô hấp và mạch máu.
Móng tay hơi lõm, có vết rỗ: Điều này chứng tỏ bạn đang bị bệnh vảy nến, eczema, rụng tóc, để lâu có thể dẫn đến bệnh viêm khớp hoặc tuyến giáp.
Móng tay ngả màu đỏ: Khi móng tay chuyển màu hơi đỏ, rất có thể bạn đang gặp vấn đề về tim mạch.
Móng tay màu nâu: là sự cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng trong cơ thể của bạn. Nếu nửa trên màu nâu, nửa dưới màu trắng là dấu hiệu của bệnh suy thận, suy giảm hệ miễn dịch và xuất hiện nhiều ở những người vừa hóa trị.
Móng tay xuất hiện nếp gấp: Những nếp gấp này là kết quả của một quá trình căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Để lâu sẽ dẫn đến bệnh thận cấp tính.
Móng tay bị lung lay: đây là hậu quả của việc bị chấn thương hoặc nhiễm trùng. Những bệnh như tuyến giáp, vảy nến, tuần hoàn kém hoặc các phản ứng dị ứng thuốc cũng khiến móng tay dễ bị lung lay.
Móng tay chuyển sang hình muỗng: bạn có thể đang thiếu sắt hoặc gặp vấn đề về gan. Ngoài ra, đây còn có thể là bệnh tim và suy giáp.
Móng tay xuất hiện sọc trắng: Khi thấy những đường sọc trắng chạy song song trên móng tay, bạn không nên chủ quan bởi đây là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới các bệnh thiếu protein trong máu, xơ gan, hay cơ thể thiếu chất dinh dưỡng.
Móng tay xuất hiện sọc đen: Khi móng tay xuất hiện biểu hiện lạ này thì đây là lời cảnh báo về bệnh ung thư da, loại ung thư chỉ ảnh hưởng đến một móng tay, làm xuất hiện sọc đen.
Móng tay cong lên: Đây là một hiện tượng hiếm thấy và rất dễ nhận biết, móng tay cong lên một cách bất thường. Biểu hiện này có thể là vô hại do lưu lượng máu di chuyển đến các ngón nhiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp xuất hiện đột ngột thì đó là biểu hiện của việc máu thiếu oxy hay các bệnh về phổi, tim, viêm ruột và AIDS.
Phạm Trang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.