Bắt được “hậu duệ” của Rùa Hồ Gươm?

0
108
Bắt được

Theo thông tin ban đầu từ Hội đồng cứu chữa Rùa Hồ Gươm, hồ sơ chữa bệnh cho cá thể rùa vừa bắt khá đơn giản, thời gian chữa trị sẽ không kéo dài. Nhưng sự tồn tại của một cá thể rùa nặng khoảng 20kg và cá thể rùa khổng lồ trong hồ chưa bắt được khiến nhiều người phỏng đoán có thể đang tồn tại một “gia đình rùa” ở Hồ Gươm.

5-7 ngày nữa sẽ biết bệnh của cụ Rùa

TS Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm cho biết, cá thể rùa vừa được dẫn dụ lên chữa trị vết thương tại Hồ Gươm có chiều dài mai 117cm, rộng 83cm. Kết quả sơ khám cho thấy, rùa bị loét mạn tính ngoài da ở hai chi trước và không có dấu hiệu bề ngoài của những bệnh do nhiễm trùng máu, virus gây nên. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã lấy mẫu bệnh phẩm và đưa về phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân gây nên những vết lở loét trên mai, hai chi trước của rùa. Dự kiến, sau 5 – 7 ngày sẽ có kết quả. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng phác đồ điều trị, quyết định chủng loại thuốc.


Việc lấy mẫu ADN cụ Rùa Hồ Gươm đã được tiến hành.

Ông Nguyễn Văn Khôi, tổng giám đốc Tập đoàn KAT cho biết, bệnh tật không trầm trọng nên sẽ nhanh khỏi. Trọng lượng của cụ Rùa này khoảng từ 170 – 180kg. Vết thương trên lưng cụ Rùa hiện đã gần lành hẳn. Còn phần da đổi màu trên cổ được cho là bị động vật khác cắn thực chất không phải vết thương, có thể đó chỉ là vết “rỗ” đồi mồi do tuổi tác. Hiện tại, cụ chỉ còn một vết thương nhỏ ở vai, rộng khoảng 3cm. Các bác sĩ thú y đã tiến hành bôi thuốc vào những vết thương này.

Các thành viên trong Hội đồng chữa trị cũng đưa ra đánh giá, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, cụ Rùa sẽ khỏi bệnh và được “xuất viện” sớm hơn dự kiến. Vấn đề đặt ra lúc này là phải xác định chính xác Hồ Gươm có bao nhiêu cá thể rùa để có phương pháp bảo tồn hợp lý.

Đã bắt được “hậu duệ” của cụ Rùa?

Cũng theo ông Nguyễn Văn Khôi, vào thời điểm bắt, đội vây bắt cũng đã bắt được một cá thể rùa con nặng khoảng 20kg. Nhưng sau đó ông Khôi đã yêu cầu anh em thả rùa xuống dưới lòng hồ. Rất có thể đây là con cháu của rùa Hồ Gươm.

“Để xác định đó có phải “con cháu” của cụ Rùa hay không phải được các chuyên gia mang lên xét nghiệm ADN. Việc xét nghiệm ADN để khẳng định các cá thể này có họ hàng hay không rất đơn giản” – ông Khôi nói.

TS Nguyễn Viết Vĩnh cho rằng, nếu ở Hồ Gươm tồn tại một “gia đình rùa” thì việc nhân giống bảo tồn sẽ không phải vấn đề lớn. Bài toán đặt ra sau đó là cải thiện môi trường sinh thái Hồ Gươm giúp rùa tiếp tục cuộc sống hoang dã của mình. Nếu làm tốt, trong tương lại không xa, hình ảnh Hồ Gươm của những năm 60 với Tháp Rùa có đầy trứng rùa cũng sẽ không phải là chuyện viễn tưởng. Nếu quả thực Hồ Gươm hiện đang tồn tại một quần thể rùa thì có thể ví như là một “câu chuyện cổ tích” khi truyền thuyết đã trở thành hiện thực. Chắc hẳn khi đó, khách du lịch, người dân sẽ rất háo hức với việc rùa trong truyền thuyết đã có hậu duệ đến tận ngày nay.

GS Mai Đình Yên, phó chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho rằng, cũng như bất kỳ loài nào, duy trì nòi giống là việc nên làm, chưa kể rùa Hồ Gươm là rùa quý hiếm. Dù muốn hay không, cụ Rùa cũng như bao nhiêu sinh vật khác, một ngày nào đó sẽ chết, nên những nghiên cứu về giống loài của rùa tại Việt Nam là cần thiết để duy trì nòi giống của cụ Rùa, một loài vật còn mang giá trị tâm linh.

Ông Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á cho biết, độ tuổi sinh sản của rùa cũng có hạn, với một cá thể có tuổi đời trên 100 rất khó có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu thực sự đang tồn tại một cá thể rùa nhỏ là con của rùa lớn thì chắc chắn, việc bảo tồn loài sẽ dễ dàng hơn nhiều.

 

Theo Bee.net