“Bắt” hoa hồng nở trong ống nghiệm

Nguyễn Hồng Vũ trong phòng thí nghiệm

Một xu hướng rất mới từ đầu năm 2006 là nhiều bạn trẻ đã đưa ra các ý tưởng sáng tạo có nhiều khả năng ứng dụng trong cuộc sống… “Mọi ý tưởng đều được khuyến khích để mọi người mạnh dạn đưa ra, dù nó đơn giản hay phức tạp, dễ hiểu hay kỳ quặc” – đó là phương châm của nhiều nhóm sáng tạo trẻ hiện nay.

Yếu tố nào để hoa hồng nở theo ý muốn?” là một câu hỏi mà bấy lâu nay người trồng hoa và nhiều nhà nghiên cứu chưa tìm ra lời giải đáp một cách rõ ràng. Vậy mà Nguyễn Hồng Vũ – sinh viên năm thứ 4 khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM – sau một năm rưỡi miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã tìm được câu trả lời.

Nguyễn Hồng Vũ có thể làm luận văn tiến sĩ

Theo Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt – Phó phân viện trưởng Phân viện sinh học Đà Lạt, đây là đề tài mạo hiểm, khó về mặt khoa học, trên thế giới người nghiên cứu thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, có người nghiên cứu cả đời cũng không phát hiện ra. Có thể làm luận văn tiến sĩ vì nó giải thích được cơ chế ra hoa trong điều kiện nhân tạo. Việc hoa hồng nở trong ống nghiệm thành công có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu khoa học cơ bản như lai tạo, di truyền học cũng như mở ra một thị trường mới về hoa mini trong ống nghiệm phù hợp với các văn phòng công sở hiện đại với những lợi ích đặc trưng như: không tốn công chăm sóc, chiếm diện tích nhỏ, tuổi thọ hoa dài…

Hồng Yến

Vũ kể, khi đang học năm thứ 3 thì thầy Dương Tấn Nhựt dạy môn Công nghệ sinh học thực vật đề nghị Vũ thực hiện đề tài nghiên cứu hoa hồng nở trong ống nghiệm. Hồng Vũ đã nhận lời với lý do rất… lãng mạn: yêu hoa hồng. “Nhận đề tài rồi, mình mới bắt đầu thấy lo bởi có nhiều người nghiên cứu trước đó đã không thành công. Sau mấy ngày suy nghĩ, mình quyết tâm làm, bởi chưa tiến hành mà sợ không thành công thì đó không phải là tính cách của mình” – Vũ nói. Cứ sau giờ học là Vũ vào internet tìm tài liệu. Vũ cho biết: “Trên thế giới, người ta đã tìm ra phương pháp cho nhiều loại hoa nở trong ống nghiệm, nhưng với hoa hồng chỉ duy nhất có một công trình nghiên cứu ở Singapore vào năm 2000. Tuy nhiên, tài liệu này cũng chỉ mới mở ra những bước đầu trong nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự nở hoa của hoa hồng”. Vũ phải nhờ thầy liên lạc với các trường đại học trên thế giới gửi những tài liệu liên quan đến việc nghiên cứu thành công các loại hoa nở trong ống nghiệm để nghiên cứu thêm.

Hoa hồng nở trong ống nghiệm

Có kiến thức nền, Vũ lên Đà Lạt, đến Phân viện Sinh học xin được làm các thí nghiệm rồi ra chợ Đà Lạt tìm mua các loại giống hoa về cấy mẫu. Sau hơn 1 năm, Vũ đã thực hiện nghiên cứu trên 6 giống hoa hồng, 80 thí nghiệm. Tuy nhiên, suốt một năm trời thử đi thử lại những thông số về ánh sáng, chất dinh dưỡng, các chất điều hòa sinh trưởng thực vật… nhưng phần lớn đều thất bại. “Đã có lúc mình nản lòng, hết một năm rồi mà chưa hé một tia hy vọng nào trong khi thời gian báo cáo tốt nghiệp đã gần kề. Nghĩ đến công chăm sóc, đi lại, thức đêm theo dõi và nghĩ đến những người thân luôn ủng hộ, mình lại cố gắng”. Chỉ còn hơn 6 tháng là đến ngày công bố kết quả, Vũ quyết định thay đổi các thành phần môi trường trong ống nghiệm và quyết định táo bạo này đã “buộc” hoa hồng nở trong ống nghiệm. Thành công vang dội này được hội đồng phản biện chấm điểm tuyệt đối.

Sau thành công, Vũ viết bài thu hoạch và gửi công trình nghiên cứu cho tạp chí chuyên ngành “Nuôi cấy tế bào, mô và cơ quan thực vật”. Đến nay, sau vài lần trao đổi thông tin qua lại, đại diện tạp chí thông báo sẽ đăng bài viết của Vũ. Việc có công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế là cơ hội lớn cho Vũ được giới khoa học công nhận…

Gặp Vũ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, bạn hồ hởi báo cho chúng tôi tin mừng: vừa nhận được học bổng toàn phần của Hàn Quốc về ngành Sinh học phân tử trong y học. Hiện Vũ đã làm xong thủ tục nhập học và sẽ lên đường đi học sau khi ăn Tết cùng gia đình.

Thiên Long

 

Theo Thanh Niên