Tùy theo mỗi giai đoạn của thai kỳ, bé sẽ tự động học được những chiêu trò mới. Cùng khám phá những hoạt động của con yêu khi còn trong bụng mẹ nhé.
1. Ngủ
Em bé trong bụng mẹ thường rất thích ngủ. Thậm chí, ngay cả khi chưa phát triển mí mắt, bé cưng cũng có thể dành 90-95% thời gian của mình để ngủ. Tuy nhiên, mỗi giấc ngủ của con không dài, chỉ kéo dài chưa tới 60 phút. Sau đó, bé sẽ dậy, và bận rộn với một vài “thú vui” khác.
2. “Lộn nhào” trong bụng mẹ
Mẹ có biết, ở tuần thứ 8 của thai kỳ, bé cưng đã biết “ngọ nguậy” rồi không? Mới đầu chỉ là những chuyển động nhẹ nhàng, sau đó bé sẽ chuyển sang “tung chưởng” và “lộn nhào” trong bụng mẹ. Thậm chí, trong mỗi một giai đoạn, con sẽ có “nhịp điệu” riêng nữa đấy.
Chẳng hạn, trong thai kì thứ hai, do sợ mẹ còn mệt do ốm nghén, bé cưng chỉ dám “âm mưu” những cú đạp nhẹ nhàng. Nhẹ đến nỗi, nếu không để ý, mẹ còn chẳng biết được. Tuy nhiên, sang thai kì thứ ba, nhất là vào tháng thứ 8, thứ 9 của thai kỳ, mẹ đã có thể cảm thấy sự hoạt động của con mạnh mẽ và liên tục hơn nhiều.
3. Nghe ngóng tình hình
Đừng tưởng em bé trong bụng mẹ thì sẽ không biết được điều gì đang ở bên ngoài nhé! Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, con đã chịu khó “cập nhật” thông tin rồi mẹ ơi. Bởi vậy, nếu muốn cho bé nghe nhạc, mẹ nên bắt đầu từ giai đoạn này. Chọn những bài nhạc nhẹ nhàng, âm thanh vui nhộn sẽ làm bé “thích thú” hơn nhiều.
Sang tháng thứ 6, thính giác trở nên nhạy cảm hơn, bé không chỉ “nghe” mà sẽ phản ứng lại với những âm thanh bên ngoài. Thậm chí, bé cũng thấy “buồn” hoặc “giận dữ” nếu tâm trạng của mẹ không thoải mái.
4. “Láo liên” mọi nơi
Biết đảo mắt từ tuần thứ 16, nhưng mãi đến tuần thứ 26, khả năng này của bé mới diễn ra thường xuyên hơn. Đặc biệt, vào giai đoạn cuối, bé cưng còn có thể thường xuyên nhắm và mở mắt.
Mẹ có ngạc nhiên khi biết rằng, trong thời gian này, nếu có một tia sáng chiếu vào bụng, con sẽ cố gắng mở to mắt để “nhiều chuyện” không?
5. Mút tay
Rất nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thói quen mút tay, và những bà mẹ thì thắc mắc không hiểu ngón tay liệu có “ngon” đến như vậy không. Thực ra, không chỉ trẻ sơ sinh, ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi đã có phản xạ này. Theo các chuyên gia, từ tuần thứ 30, khi xúc giác phát triển hơn, em bé trong bụng mẹ sẽ có “sở thích” mút ngón tay, nhất là ngón cái. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng bé cũng sẽ nghịch ngón tay, dây rốn hay tự sờ lên mặt mình nữa.
(Theo MB)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.