Tại Algeria tuần trước, người ta đã thông báo kế hoạch về tuyến tải điện dài 3.000 km, dẫn điện từ Sahara tới châu Âu. Đây là dự án đầu tiên khai thác sa mạc này, với tiềm năng cực lớn: Ước tính chỉ 0,3% Sahara cũng đủ cấp điện cho cả châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.
Theo nhà vật lý Đức, Gerhard Knies, người khởi xướng dự án TREC (Hợp tác năng lượng tái tạo xuyên Địa Trung Hải), sa mạc bao phủ khoảng 36 triệu km2 trên tổng số 149 triệu km2 đất lộ thiên của hành tinh. Năng lượng mặt trời đổ xuống 1km2 sa mạc trung bình khoảng 2,2TWh/năm, tức 80 triệu TWh xuống toàn sa mạc. Năng lượng này lớn tới mức chỉ 1% bề mặt sa mạc cũng đã đủ để sản xuất điện cho toàn nhân loại.
Năm 2003, một cuộc họp các chuyên gia được tổ chức và đã thuyết phục được Chính phủ Đức tài trợ cho một nghiên cứu sâu hơn. Nghiên cứu này do kỹ sư Franz Trieb thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Vũ trụ và không gian Đức (DLR). Nghiên cứu sau này được công bố năm 2005 và 2006, trong đó khẳng định tính khả thi của dự án.
Hiệu quả kinh tế cao
Điểm quan trọng nhất của dự án là hiệu quả kinh tế. Theo Franz Trieb, hiện nay, một nhà máy điện mặt trời sản xuất điện với giá từ 0,14 đến 0,18 euro/kWh. Nếu một nhà máy có công suất 5.000MW được xây dựng, giá điện có thể giảm còn từ 0,08 đến 0,12 euro/kWh, với một nhà máy công suất 100GW, giá sẽ dao động từ 0,04 đến 0,06 euro/kWh.
Các trạm điện mặt trời CSP tại một căn cứ không quân ở New Mexico, Mỹ. (Ảnh: VNN) |
Hiện tại, các nhà máy điện mặt trời trên thế giới còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở Tây Ban Nha, Mỹ và Đức. Hơn nữa, chúng thường được xây dựng ở các khu nông nghiệp hoặc nơi có nhiều cây nên không phù hợp với môi trường. Nhà máy điện 40 MW ở Brandis (Đức) chẳng hạn, che phủ 110 ha đất nông nghiệp. Ở sa mạc, sự lãng phí không gian như vậy hoàn toàn không xảy ra.
Với những lợi ích trên, nhiều công ty Ai Cập, Morocco và Algeria tỏ ra quan tâm đến dự án này. Algeria, quốc gia có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn đã thông báo kế hoạch phát triển với sự tham gia của Công ty Năng lượng mới Algeria.
Hôm 3/11, Bộ Năng lượng Algeria đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng một cơ sở hỗn hợp, gồm một nhà máy điện khí đốt công suất 150MW và một nhà máy điện mặt trời công suất 30MW ở khu vực Hassi R’mel (Sahara), dự kiến hoàn thành năm 2010. Đây là giai đoạn đầu tiên để chuẩn bị cho khả năng chuyển hoàn toàn sang năng lượng mặt trời khi chi phí sản xuất giảm.
Và ngày 13/11, Công ty Năng lượng mới Algeria cũng thông báo kế hoạch về tuyến tải điện dài 3.000km nối Adrar (Algeria) với Aachen (Đức). Đây là tuyến khởi đầu cho mạng lưới điện nối Bắc Phi với châu Âu, trong tương lai sẽ truyền tải 80% điện mặt trời sản xuất ở sa mạc Sahara.
Dự án sẽ sử dụng các Tổ hợp Phát hiện mặt trời trung tâm (CSP) – dùng ánh sáng mặt trời để làm nóng nước, và hơi nước sinh ra làm quay turbin phát điện. Công nghệ này hơi khác so với hệ thống quang năng truyền thống (PV) – sử dụng các tấm gương để chuyển hoá trực tiếp tia mặt trời thành năng lượng.
CSP đã được thừa nhận rộng rãi là hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Nó có thể phát điện cả ban đêm nhờ các buồng trữ nhiệt. Tuy nhiên, CSP cần phải có ánh nắng trực tiếp, và rất nhiều, cũng có nghĩa là nó rất phù hợp khi hoạt động trên sa mạc.
Năng lượng thừa từ sản xuất điện cũng có thể dùng để tách muối khỏi nước biển – một vấn đề rất được các nước Địa Trung Hải quan tâm.
Theo Le Monde, CNN, Sài Gòn giải phóng, VNE