Chính vì thế, cho đến bây giờ chị Hoa cảm thấy hoàn toàn hài lòng với quyết định cưới chồng và sinh con ở Nhật, bởi bầu bí ở đây được chăm sóc cực kì tốt. Hơn nữa, ông xã của chị cũng rất tâm lý và thấu hiểu những vất vả của vợ khi mang bầu.
Chế độ thai sản “đáng mơ ước”
Chị Kim Hoa cho biết, bà bầu ở Nhật được theo dõi sức khỏe rất ‘kĩ càng”, cẩn thận với lịch khám thai “dày đặc” như sau:
– Dưới 11 tuần: 2 tuần khám 1 lần
– 12 – 24 tuần: Khám 1 lần/tháng
– 25 – 33 tuần: 2 tuần/lần
– Từ tuần 36: 1 lần/tuần
Mỗi lần khám như vậy, mẹ bầu không chỉ được đo các chỉ số về thai nhi, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu khi cần thiết, kiểm soát cân nặng xem có tăng nhanh quá không, … mà còn được hỏi về tình trạng cơ thể như thế nào, có gì khó chịu hay bất ổn không,… Khi khám, bác sĩ sẽ giải thích hết những thắc mắc của thai phụ, cũng như tư vấn về chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe khi mang thai.
“Khám thai ở đây cũng không hề phải xếp hàng chờ đợi, bác sĩ luôn hẹn lịch cụ thể từ ngày nào đến ngày nào cho lần khám sau. Thế nên trước khi đến khám, mình chỉ cần vào website của bệnh viện đăng kí thời gian cụ thể (ngày, giờ nào sẽ đến) thôi. Các bác sĩ và y tá thì luôn nhẹ nhàng, quan tâm và hết sức ân cần”.
Đặc biệt, theo chị Hoa, từ tuần thứ 8 trở đi – khi đã nghe được tim thai thì bà bầu sẽ ra tòa thị chính để được cấp một cuốn sổ, gọi là sổ theo dõi dành cho mẹ và con, với các phiếu khám miễn phí. Tất cả những thông tin trong suốt thai kì được lưu trong cuốn sổ đó, và khi có sổ đồng nghĩa với việc bà bầu không cần trả bất cứ khoản chi phí nào cho các lần khám. Ngoài ra, bà bầu cũng được phát phiếu khám răng miễn phí, vì bà bầu thường hay bị mắc bệnh răng miệng.
Ở Nhật, chi phí sinh đẻ cũng được nhà nước tài trợ. Tuy vậy, theo chị Hoa, các dịch vụ ở đây rất tốt. Thậm chí, khi sản phụ sinh xong, bệnh viện còn có phòng riêng để chồng hoặc người thân có thể vào ngủ cùng và chăm sóc.
Bầu bí chẳng “kiêng” thứ gì
Ở Việt Nam, sữa bầu rất phổ biến và hầu như mẹ bầu nào cũng sử dụng. Nhưng ở Nhật thì dường như không hề có sản phẩm này. Bác sĩ thường khuyên thai phụ nên bổ sung dinh dưỡng tự nhiên từ bữa ăn hàng ngày, và gần như không phải kiêng khem món gì để có thể cung cấp đủ chất cho mẹ và em bé. Thậm chí chị Hoa vẫn ăn cả cá sống (tuy phải hạn chế), bác sĩ cũng khuyên chị nên ăn đa dạng thực phẩm chứ không nên vì một loại thức ăn nào đó tốt mà ăn thật nhiều.
Các ông bố cũng tham gia lớp học tiền sản
Thông thường, ở Việt Nam chỉ có các bà bầu mới tham gia lớp học tiền sản. Thế nhưng điều ngạc nhiên là ở Nhật còn có những lớp tiền sản dành cho cả các ông bố. Chị Hoa cho biết, lớp dành cho mẹ bầu thường bắt đầu vào tuần thứ 18 của thai kì, còn đến tuần 28 sẽ có lớp dành cho cả các ông bố.
“Ở đó, cả bố và mẹ sẽ được dạy rất tỉ mỉ về cách thở lúc sinh con như thế nào, hướng dẫn cách mát-xa ngực để kích thích sữa ra sao, rồi khi sắp sinh thì có hiện tượng gì,… Ban đầu mình cũng ngạc nhiên, rằng các ông bố có phải sinh con đâu thì học lớp tiền sản làm gì? Thế nhưng ông bố nào cũng tham gia lớp học này và mọi người giải thích rằng: “Lúc vợ sinh sẽ rất đau nên có thể sẽ chẳng nhớ được gì, vì thế các ông bố nên học để còn ở bên hướng dẫn cho vợ”.
Chị kể thêm: “Ở lớp học đó người ta còn chiếu video về cảnh một ca sinh nở sẽ diễn ra như thế nào. Và hầu hết các ông bố xem xong đều tỏ ra rất xúc động vì những vất vả mà vợ sẽ phải trải qua. Chồng mình cũng vậy, anh thường động viên vợ rằng: ‘Sinh con vất vả lắm nên vợ cố lên nhé! Vì lúc sinh anh chỉ ở bên cạnh và động viên vợ được thôi chứ chẳng giúp được gì cả’. Thực ra, nghe anh nói câu ấy là mình đã cảm thấy được chia sẻ rất nhiều rồi”.
Luôn biết ơn những vết rạn da trên bụng vợ
Trước đây, khi xem những bức ảnh về mẹ bị rạn da như thế nào khi sinh xong, chị Hoa cũng cảm thấy rất sợ… xấu. Còn ông xã chị thì lại “ngấm ngầm” tìm hiểu rồi mua kem chống rạn cho vợ. Anh cũng thường nói với chị rằng nên “chuẩn bị trước” như thế để tránh bị rạn, nhưng vấn đề này thường khó tránh khỏi nên nếu bị rạn thì hãy đón nhận nó như một điều gì đó vô cùng ý nghĩa. Bởi nó là minh chứng cho những vất vả của người phụ nữ để sinh con ra. Với anh, “mỗi người chúng ta đều nên biết ơn những vết rạn da trên bụng vợ”.
Chị bảo: “Cho đến khi anh phát hiện ra da mình “chính thức” bị rạn khi bụng dần to lên, mình đã khóc ngon lành ngay sau đó. Thế rồi anh ôm mình vào lòng, vỗ về và nói với bé con trong bụng rằng: ‘Ai chan’ nè, nếu ‘mama” không có những vết rạn đó thì làm sao có con được phải không? Có nó sau này còn “kể công” được với ‘Ai chan’ là ‘mama’ đã vất vả như thế nào để mang bầu con chứ!…” Nghe xong câu đó, mình bỗng thấy hết buồn và chẳng còn lo lắng gì nữa, chỉ thấy xúc động vì cảm thấy mình được thông cảm, yêu thương”.
Chồng chị cũng chưa bao giờ quên đưa vợ đi khám thai, rồi còn đi cùng vợ vào luôn phòng khám và hỏi han bác sĩ rất tỉ mỉ về sức khỏe của vợ, của con. Khi vợ bắt đầu bị đau lưng do bầu bí, ngày nào anh cũng mát-xa cho chị, cũng như chăm sóc từng chút, từng chút một. Chị Hoa cũng kể rằng, ở đây, có nhiều người thường ngại sinh con và không muốn có con. Tuy nhiên, với những người đã quyết định sinh em bé, bất cứ ông bố nào cũng quan tâm, chăm sóc vợ như vậy.
Cảm ơn chị về những chia sẻ của mình. Chúc chị một thai kì khỏe mạnh và hạnh phúc!
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.