Ngày 20/10/2015, cháu bé 3 tháng tuổi (Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An) đã tử vong sau khi tiêm chủng vắc xin Quinvaxem và vắc xin OPV lần 2 lúc 9h ngày 20/10.
Anh Lô Văn Mười, bố của nạn nhân, cho biết thêm khoảng 9 giờ sáng ngày 20-10, vợ chồng anh đưa con trai đi tiêm chủng vắc-xin. “Trước khi đi, con trai tôi sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, khi tiêm xong được khoảng 4 phút sau thì con tôi bỗng khóc đúng 3 tiếng rồi ngất đi và tử vong ngay sau đó” – anh Mười đau đớn thuật lại.
Nơi xảy ra sự việc.
Khoảng 4 phút sau khi tiêm, cháu bé bị tím tái, khó thở. Trẻ đã được điều trị theo phác đồ chống sốc phản vệ tuy nhiên không đáp ứng nên đã tử vong lúc 10h ngày 20/10/2015. Cùng ngày tiêm tại Trạm Y tế xã có 28 trẻ được tiêm chủng cùng lô vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin OPV, ngoài trẻ tử vong nêu trên các trẻ còn lại đều bình thường.
Công an huyện Quế Phong đã niêm phong tất cả các lọ vắc xin đã sử dụng cùng những lọ vắc xin chưa sử dụng. Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu Trung tâm Y tế Quế Phong ngừng sử dụng và niêm phong toàn bộ vắc xin 5 trong 1 tại trạm y tế Quang Phong.
Số vắc xin này có số hiệu là 1453322.03, sản xuất tại Hàn Quốc, hạn sử dụng tới 1/7/2017. Tất cả đã được Hội đồng vắc xin Quốc gia kiểm định chất lượng.
36.000 liều vắc xin 5 trong 1 được nhập về Nghệ An vào ngày 3/9/2015. Trong đó có 35.387 liều được cấp về các trung tâm y tế huyện, thành, thị và các trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 31.700 liều đã được sử dụng.
Không liên quan quy trình tiêm chủng
Theo Cục Y tế dự phòng, sau khi sự việc xảy ra, gia đình cháu bé không yêu cầu mổ tử thi. Đoàn Hội đồng chuyên môn gồm Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh viện Nhi trung ương đã họp cùng Sở Y tế Nghệ An đánh giá quy trình tiêm chủng. Qua quá trình phân tích, đánh giá, Hội đồng kết luận, trường hợp này không liên quan đến quy trình tiêm chủng, trẻ tử vong nghĩ nhiều đến sốc phản vệ.
Sau khi tiêm chủng trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
Theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm.
Để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng
Mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân.
Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.
Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm.
Quan sát loại vắc xin sẽ tiêm cho con mình.
Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.
Huệ Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.