Bị hăm do đóng bỉm là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Do da bé khá mỏng và nhạy cảm, đóng bỉm/tã quá lâu khiến nước tiểu đọng lại chà xát vào da bé, gây kích ứng da, khiến da bị tấy đỏ và đau. Một lý do phụ khác là do bé tắm xong, mẹ chưa lau khô người cho bé đã vội đóng bỉm/quấn tã. Vùng da bẹn của bé không được khô ráo dẫn đến bị hăm.
Hăm tã khiến bé khó chịu, quấy khóc, ngủ không ngon. Do đó, mẹ hãy chú ý đến một số mẹo trị hăm tã để bảo vệ làn da của bé nhé!
Khi bé bị hăm, hạn chế đóng bỉm/ quấn tã
Khi bé đã bị hăm, mẹ không nên đóng bỉm cho bé nữa, nếu không càng làm vùng da mẩn đỏ tồi tệ hơn. Hãy để cho da bé được thở, được thông thoáng. Để phòng ngừa khả năng bị hăm tã, mẹ nên tập xi tè cho bé. Bé mới sinh rất khó tập xi tè vì số lần tiểu tiện nhiều nhưng khi bé được 2 hoặc 3 tháng, mẹ hoàn toàn có thể tập xi tè thành công cho bé. Cách này vừa giúp mẹ nhàn, vừa tiết kiệm một số tiền lớn.
Nếu bắt buộc phải đóng bỉm, hãy thay bỉm thường xuyên cho bé
Những trường hợp bắt buộc phải đóng bỉm như khi đi chơi hoặc vào những ngày mùa đông lạnh giá, mẹ nên thay bỉm thường xuyên cho bé. Nhiều mẹ tiết kiệm đóng bỉm cho bé suốt cả buổi khiến tình trạng hăm của bé càng nặng hơn. Vì thế khi bé bị hăm, mẹ hãy nhớ thay bỉm thường xuyên cho con. Chỉ cần thấy bỉm nặng là nên thay ngay.
Tạo lớp màng bảo vệ cho da bé
Mẹ có thể thoa các loại kem trị hăm tã, tạo nên lớp màng bảo vệ da bé trước nguy cơ bị kích ứng. Lưu ý luôn luôn tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi dùng bất cứ loại kem nào.
Tránh các loại thuốc chứa hydrocortisone
Các loại thuốc, kem trị hăm chứa hydrocortisone có thể trị hăm tã hiệu quả nhưng lại gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy mẹ hãy thận trọng trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho bé.
Việt Hà – Nguồn: SK
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.