Bề mặt sao Hỏa tồn tại chất hữu cơ

Bề mặt sao Hỏa tồn tại chất hữu cơ

Các nhà khoa học khẳng định rằng, trong thổ nhưỡng của sao Hỏa tồn tại phân tử hữu cơ giàu nguồn cacbon có khả năng hình thành sự sống. Tuyên bố này là một thách thức đối với quan điểm cho rằng, sao Hỏa là một hành tinh cằn cỗi.

Bề mặt sao Hỏa tồn tại chất hữu cơ
Cuộc đổ bộ của tàu Viking lên sao Hỏa vào năm 1976. (Ảnh: CE).

Vào năm 1976, khi tàu Viking của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đổ bộ và lấy các mẫu đất của sao Hỏa, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện bất cứ sinh vật cũng như các phân tử hữu cơ giàu nguồn cacbon nào. Tuy nhiên đến năm 2008 khi tàu Phoenix phát hiện ra muối perclorat (muối của axit perclorite HClO4) tại khu vực địa cực của sao Hỏa thì các nhà khoa học quyết định nghiên cứu lại thổ nhưỡng sao Hỏa một lần nữa.

Một nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học tự trị quốc gia Mexico (UNAM) đã đến sa mạc Atacama của Chile, nơi được coi là đặc điểm địa chất rất giống với địa chất của sao Hỏa. Khi các nhà khoa học đem trộn lẫn mẫu đất lấy từ sao mạc Atacama với muối perclorate rồi đun nóng thì phát hiện chúng giải phóng ra khí CO2. Đồng thời người ta cũng tìm thấy dấu vết của Diclomêtan và Cloromêtan.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, những phản ứng hóa học này còn phá hủy các phân tử hữu cơ có trong thổ nhưỡng sao Hỏa. Rafael Navarro Gonzalez, một chuyên gia của UNAM, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng, mẫu đất mà tàu Viking lấy về từ sao Hỏa hơn 30 năm trước không chỉ có các chất hữu cơ mà còn có muối perclorat”.

Mặc dù kết quả của nghiên cứu này khiến nhiều người phải kinh ngạc song các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, việc khẳng định rằng sự sống tồn tại tại trên bề mặt sao Hỏa vào thời điểm này là quá sớm.

Bề mặt sao Hỏa tồn tại chất hữu cơ
Sa mạc Atacama vùng đất được cho có các đặc điểm giống với địa chất sao Hỏa. (Ảnh: CE).

Chris McKay, thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA cho hay: “Điều này không thể là một bằng chứng để khẳng định sao Hỏa có tồn tại sự sống hay không. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một bước tiến lớn trong quá trình nghiên cứu về sự sống trên sao Hỏa của chúng ta”.

McKay giải thích rằng các phân tử chất hữu cơ trên sao Hỏa có thể đến từ các sinh vật trên sao Hỏa cũng có thể có nguồn gốc phi sinh vật. Nhiều thiên thạch rơi xuống Trái đất cũng mang theo rất nhiều các loại chất hữu cơ khác nhau. Và hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được các phân tử hữu cơ được tìm thấy là của sao Hỏa hay là do các thiên thạch đâm phải hành tinh này mang đến hành tinh này.

Muối perclorat được tìm thấy có thể đã tồn tại hàng tỷ năm trên sao Hỏa. Khi tàu Viking lấy được mẫu đất có chứa hỗn hợp hữu cơ của muối perclorat, các khi nhà khoa học đã nhầm tưởng rằng đây là kết quả của việc dịch tẩy rửa của tàu thăm dò này bị nhiễm bẩn trên môi trường sao Hỏa.

Theo kế hoạch, vào năm 2011 tới đây, NASA họ sẽ phóng tàu thăm dò sao Hỏa có tên MSL (Mars Science Laboratory (Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa) để tìm kiếm các phân tử hữu cơ cũng như khám phá hàng loạt những bí ẩn của hành tinh đỏ.

 

Theo CE, Vietnamnet