Bệnh công sở: Thoái hóa cột sống “gọi tên” cả người trẻ

Mẹo hay trị 4 chứng đau của dân công sở

Bệnh thoái hóa cột sống là chứng bệnh mà hầu hết dân công sở đều mắc phải. Nguyên nhân của căn bệnh này cũng xuất phát từ việc ngồi một chỗ quá nhiều, quá lâu, không chịu tập luyện thường xuyên hoặc giữa giờ. Thậm chí không ít người vì quá bận rộn mà ngồi lỳ từ sáng đến tối ở bàn làm việc. Khi cột sống phải ngồi quá lâu, chịu đựng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến “sức khỏe” của nó.

Chị Lê Thi (Quận 5, Tp.HCM) nghỉ hưu đã được 3 năm nay. Thế nhưng, đó cũng là khoảng thời gian mà cô phải chạy chữa khắp nơi từ Đông Y đến Tây y cho đến uống các bài thuốc dân gian để chữa bệnh thoái hóa cột sống.

Cô Thi nói: “Căn bệnh thoái hóa cột sống của tôi xuất hiện trước khi nghỉ hưu khoảng chục năm. Nhưng bẵng đi một thời gian không chữa trị cẩn thận. Thỉnh thoảng tôi có đau nhưng sau đó vài ba bữa hoặc 1 tuần lại hết nên cũng bỏ qua. Từ khi nghỉ hưu, căn bệnh này trở nên nặng hơn, những cơn đau dữ dội hơn. Thậm chí có lúc không thể ngồi xuống được, đi lại hoặc nằm đều đau, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống”.

Theo lời cô Thi phán đoán có thể do khi còn đi làm công sở, cô quá tập trung công việc, kịp hoàn thành tiến độ mà quên đi các bài tập đơn giản. Cho nên cột sống từng bước bị thoái hóa, chức năng sụt giảm nên dẫn đến các cơn đau.

Không chỉ có những người như cô Thi mà một số bạn trẻ chỉ chưa đến 30 tuổi mà đã xuất hiện triệu chứng của thoái hóa cột sống. Anh Anh Tuấn (Nhân viên văn phòng) cho biết, mỗi khi cuối tuần, anh cảm thấy cột sống rất mỏi, thậm chí khó chịu, đi lại gặp không ít khó khăn.

Anh Anh Tuấn cho biết: “Thời gian dành cho công việc của anh từ 8-9 tiếng ở công ty, sau đó về nhà cũng ngồi thêm 2-3 tiếng nữa. Cho nên dạo gần đây xuất hiện triệu chứng mỏi cổ, vai, xuất hiện những cơn đau ở cột sống”.

Cần tư thế ngồi, ngủ hợp lý

Câu chuyện của cô Thi và anh Anh Tuấn chỉ là số ít trong số các câu chuyện vấn đề cột sống của dân văn phòng. Hiện nay, dân văn phòng ngày càng lười hơn khi công việc áp lực và nhiều đồ ăn phục vụ tận bàn nên họ rất ngại rời khỏi chỗ ngồi nếu không thấy cần thiết. Nguyên nhân của tình trạng thoái hóa cột sống là do ngồi nhiều nhưng sai tư thế. Một số người có thói quen ngồi theo ý thích, cong vẹo cột sống, ngồi gác chân lên ghế, thậm chí nằm bò ra bàn để đọc báo hoặc nghe nhạc.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa xương khớp Nguyễn Mão cho hay, nguyên nhân cũng do tư thế ngủ co quắp làm ảnh hưởng đến cột sống. Ngoài ra, ngủ sai tư thế, ngủ trong điều kiện chật hẹp cũng ảnh hưởng đến hệ xương. Thêm vào đó, do chế độ ăn uống thiếu canxi, tuổi tác làm cho khả năng vận động cũng như chịu đựng kém đi.

        

Canh cua là thực phẩm bổ sung canxi cho cơ thể.

Khi tuổi càng cao, những sụn khớp không được tổng hợp, thêm nữa những sụn khớp kém đi và các dịch giữa khớp ít đi làm cho sụn khớp bị ảnh hưởng gây nên thoái hóa cột sống.

Biểu hiện của thoái hóa cột sống là đau, mỏi ở vùng gáy, cổ. Những cơn đau này lan xuống cả vùng bả vai, vùng lưng. Những cơn đau tăng lên khi vận động và giảm xuống khi nghỉ ngơi. Thậm chí, những cơn đau còn ảnh hưởng đến cả nuốt, nhai ở hàm. Có thể ngoài những cơn đau còn có nhói, buốt ở vùng hông, chi dưới gây cảm giác khó chịu cho người bị bệnh.

Để đề phòng chứng thoái hóa cột sống cần có chế độ ăn phù hợp, tăng cường bổ sung canxi. Kiểm tra máu thường xuyên để phát hiện có bị thiếu canxi hay không. Khám sức khỏe định kỳ phát hiện thoái hóa cột sống để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Bên cạnh đó, dân văn phòng phải chú ý đi lại nhẹ nhàng, tập các bài tập đơn giản sau khi ngồi máy 1-2 tiếng. Ngồi ngay ngắn, đúng tư thế, để máy tính cách mắt khoảng 50cm, đảm bảo không bị cong vẹo cột sống. Ngủ buổi trưa tại cơ quan hoặc ngủ tối tại nhà cũng cần đúng tư thế, thường xuyên chuyển tư thế tránh bị ảnh hưởng cột sống.

Đông Ngân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.