Trong năm 1492, Columbus cùng đoàn thám hiểm của mình đã giương buồm vượt đại dương đi tìm những miền đất mới. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu, khi Columbus và đoàn thủy thủ trở về, họ đã mang theo một căn bệnh mới được gọi là giang mai.
Giang mai là căn bệnh do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu không được chữa trị, nó có thể gây tổn thương tim, não, mắt và xương, từ đó dẫn đến tử vong.
Dịch giang mai xảy ra lần đầu tiên vào thời kỳ Phục hưng năm 1495. Ban đầu nó xuất hiện trong quân đội của vua Charles VIII khi tiến hành xâm lược Naples. Sau đó, nó bùng phát và tàn phá khắp châu Âu, George Armelagos, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về xương đến từ Đại học Emory ở Atlanta cho biết.
Bức tượng Columbus tại Lavagna, Genova, Italy.
“Bệnh giang mai đã tồn tại được khoảng 500 năm. Kể từ khi phát hiện, người ta đã bắt đầu tranh luận về nơi mà nó đến. Và nguồn gốc ra đời của nó đến giờ vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi”, nhà nghiên cứu Molly Zuckerman tại Đại học bang Mississippi nói.
Armelagos ban đầu nghi ngờ cái gọi là “lý thuyết Columbus về bệnh giang mai”. “Tôi thấy rất nực cười khi người ta cho rằng nhóm thủy thủ đã mang căn bệnh chết người này về châu Âu”, ông nhớ lại.
Sau đó, kết quả nghiên cứu 50 bộ xương từ châu Âu có niên đại vào khoảng thời gian trước khi Columbus giương buồm vượt đại dương cho thấy căn bệnh này đã tồn tại ở đây một thiên niên kỷ trước đó. Do vậy, người ta không thể đổ lỗi cho Columbus.
Gần đây, 16 báo cáo phân tích tìm thấy các dấu hiệu chứng minh bệnh giang mai đến từ các khu vực ven biển nơi mà hải sản chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống của người dân nơi đây, bên trong chúng có chứa “carbon cũ” từ nước dưới đáy biển.
Các nhà khoa học đã tìm ra số lượng hải sản các cá nhân này đã ăn khi còn sống và kết quả là “tất cả các bộ xương đều cho thấy dấu hiệu rõ ràng của căn bệnh do xoắn khuẩn treponema gây ra, xuất hiện sau khi Columbus trở về châu Âu”, nhà sinh học tiến hóa Kristin Harper nói thêm.