“Bệnh viện động vật” giữa rừng Cát Tiên

0
103

Vài năm gần đây, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp ở Vườn Quốc gia Cát Tiên được mọi người ví như một “bệnh viện” của các loài động vật hoang dã. Hàng năm, nơi đây tiếp nhận và chữa trị cho hàng trăm loài thú như: gấu, khỉ, mèo rừng, cáo, các loài bò sát…

Gần đây nhất, Trung tâm đã cứu sống 17 con gấu bị trọng thương do mắc bẫy của người dân. Những loài thú sau khi được các bác sĩ chăm sóc khỏe mạnh đều trở lại rừng.

Được thành lập (tháng 3.2005) với 3 cán bộ, đến nay, Trung tâm đã góp phần không nhỏ trong việc cứu chữa, chăm sóc các động vật hoang dã bị thương của núi rừng.

Bò tót tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. (Ảnh: LĐ)

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết, hiện người dân sống ở vùng đệm như: xã Nam Cát Tiên, Đắklua, Tà Lài (huyện Tân Phú-Đồng Nai) và các xã nằm trong vùng lõi của Vườn thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng vẫn vào rừng đặt bẫy, săn bắt các loài thú rừng. Mặc dù kiểm lâm luôn tích cực tuyên truyền, vận động và tuần tra bảo vệ, nhưng cả khu rừng rộng hơn 73.000 ha không thể được kiểm soát hết với một lực lượng mỏng.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều loài thú vẫn tiếp tục bị săn bắt. Có những tháng trong khi tuần tra, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện hàng ngàn bẫy thú, hàng trăm loài thú rừng bị mắc bẫy đã được đưa về trung tâm để chăm sóc, nhiều nhất vẫn là các loài bò sát và chim.

Thời gian qua, Trung tâm còn chăm sóc, cứu chữa cho hàng chục trường hợp (hầu hết là thú lớn như gấu, khỉ) được chuyển đến từ những vùng lân cận như ở Tây nguyên và miền Trung.

Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được UNESSCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để trình tổ chức này công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới. Vườn có hệ sinh vật rừng đa dạng với hàng ngàn loài thực vật, hàng trăm loài thú, trong đó có hàng chục loài thú quý hiếm có trong sách đỏ của thế giới. Vì vậy, hoạt động của Trung tâm cứu trợ động vật hoang dã nguy cấp là một trong những động thái tích cực p phần bảo vệ sự đa dạng sinh học ở nơi được coi là “lá phổi” của thế giới này.

 

Theo TTXVN, Lao động