Một nhóm nhà khoa học ở Anh đã nghiên cứu mối quan hệ giữa những người mắc bệnh béo phì và hiện tượng nhà kính làm khí hậu trái đất nóng lên một cách nguy hiểm. Kết luận ban đầu của họ đưa ra cho thấy những người béo phì phải chịu trách nhiệm một phần về việc làm cho khí hậu trái đất nóng lên.
Trên tạp chí khoa học Lancet số mới nhất, hai nhà nghiên cứu Phil Edwards và Ian Roberts thuộc Trường Đại học Y khoa Nhiệt đới và Vệ sinh, viết: “Chúng ta càng ngày càng mập ra cho nên cũng phải gánh một phần trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu. Béo phì là một phần trong bức tranh biến đổi khí hậu”.
Theo nhóm nhà khoa học nói trên, người béo phì ăn nhiều, di chuyển bằng xe hơi nhiều. Đó là nguyên nhân góp phần vào cơn bão giá xăng dầu và lương thực hiện nay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu hiện có 400 triệu người lớn mắc bệnh béo phì. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì đến năm 2015 sẽ có không dưới 2,3 tỉ người thừa cân và 700 triệu người béo phì.
Chuẩn để xác định một người mắc bệnh béo phì là chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI) đạt từ 30 trở lên. BMI là tỉ lệ chiều cao và trọng lượng cơ thể. Chỉ số BMI của một người bình thường là 18-25. Vượt quá 25 nhưng dưới 30 là thừa cân. Trên 30 được coi là béo phì. Theo các nhà khoa học Anh nói trên, khoảng 40% dân số thế giới hiện có chỉ số BMI xấp xỉ 30. Dân số nhiều nước đang tiến rất nhanh đến tỉ lệ đáng báo động này hoặc đã vượt qua.
Người béo phì mỗi ngày dùng đến 1.680 calo để duy trì năng lượng bình thường. Ngoài ra, họ còn cần thêm 1.280 calo để duy trì các hoạt động trong ngày, tức 18% cao hơn so với những người có chỉ số BMI bình thường.
Bởi vì người có thể tạng gầy ốm ăn ít và thích đi bộ hơn đi xe cho nên ít tham gia quá trình đẩy giá lương thực và xăng dầu hơn những người béo phì. Vì vậy, theo ông Edwards, dân số thế giới cần giảm cân nhằm tiêu thụ năng lượng và lương thực ít hơn. Nhất là chúng ta cần tiêu thụ ít lương thực hơn bởi 20% chất thải gây hiệu ứng nhà kính có gốc gác là nông nghiệp.
Ông Edwards nói công cuộc nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Anh vẫn còn tiếp tục để tính toán cụ thể xem cộng đồng những người mắc bệnh béo phì góp bao nhiêu phần vào hiện tượng biến đổi khí hậu, xăng dầu tăng giá và khủng hoảng lương thực.
Nói chung, hai ông Edwards và Roberts cho rằng cần phải xúc tiến những chiến dịch khuyến khích dân chúng cố gắng đạt chỉ số BMI bình thường. Chỉ có như vậy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và lương thực trên phạm vi toàn cầu mới có hy vọng giảm đồng thời kéo giảm giá nhiên liệu và lương thực.
Theo XUÂN VIỆT (Người Lao Động Online)