Hiện tượng trên một số vùng sa mạc phát ra những âm thanh kỳ lạ như những bản nhạc, có lúc như tiếng phong cầm chơi những bản nhạc trầm, có lúc như tiếng nhạc chuông “ting tang”, có lúc như say cuồng dữ dội,… người ta gọi là “Đồi cát biết hát”.
Bí ẩn của tự nhiên: “Đồi cát biết hát”
Ở Trung Quốc, trên cao nguyên sa mạc Ngạc Nhĩ Đa Tư thuộc khu tự trị Nội Mông có một “Hưởng Sa Loan” thần kỳ mê hồn. Tại đảo Britain, đảo Haoai, tại bở biển phía Tây Nam châu Mỹ, trên sạ mạc của bán đảo Xinai, ở sa mạc Gôbi của Mông Cổ, samạc Atacama của Chilê, và một số vùng sa mạc ở Ả Rập Xeut đều có hiện tượng đặc biệt như vậy. Ở Liên Xô có bán đảo và bãi nông Kônxki, bãi biển Bega, hồ Began cũng đều có những hiện tượng “cát kêu vang”.
Ảnh minh họa
Câu hỏi đặt ra: Vì sao đồi cát lại biết hát?
Người xưa thì cho rằng đó là do quỷ thần tác quái, hoặc do quỷ sứ nơi địa ngục thét gào, hoặc là do tiên cá ca hát trên bãi cát để dụ dỗ các thủy thủ. Cũng có người cho rằng đó là tiếng chuông chùa dưới âm giục giã sư sãi đi cầu nguyện.
Mãi về sau người ta phát hiện thấy loại âm thanh êm tai đó chỉ được phát ra lúc gió nhẹ nắng đẹp, hoặc lúc gió bay cát nhảy, từ những hạt cát thạch anh đường kính từ 0,3 đến 0,5 li, và nếu hạt cát càng khô tiếng kêu càng to. Còn những khi ẩm ướt, ngày mưa hay mùa đông thì những hạt cát đó thường câm lặng.
Cái gì khiến cho cát có thể phát ra “bản nhạc” rung động lòng người như vậy?
Các nhà khoa học có nhiều giả thuyết và giải thích khác nhau. Một nhà khoa học cho rằng, âm thanh là do các hạt cát cọ xát vào nhau và chúng mang tĩnh điện, khi có ngoại lực tác động chúng va đập vào nhau và xảy ra hiện tượng phóng điện vì vậy mà phát ra âm thanh.
Một quan điểm khác thì cho rằng, dưới đồi cát có một lớp cát ẩm, khi đồi cát xảy ra sụt đổ, do lớp cát có sự trôi dạt thành hình sóng trên bề mặt, lớp bề mặt lại truyền chấn động xuống lớp cát ẩm ướt, lớp cát ẩm ướt sinh ra một loại chấn động giống như nhạc khí, từ đó phát ra âm thanh.
Còn có quan điểm cho rằng, giữa những hạt cát có khe hở, không khí chuyển động trong đó tạo thành những bầu cộng hưởng âm thanh. Khi đồi cát sụt đổ, không khí ở trong đó ra ra vào vào, dẫn đến ự chấn động của không khí, từ đó mà phát ra âm thanh.
Vẫn còn quan điểm dùng lý luận về nhiệt độ lên xuống và hình thức vận động khác nhau của đồi cát để giải thích sự kỳ diệu đó của thiên nhiên.
Để trả lời câu hỏi trên, các chuyên gia đã nghiên cứu âm thanh phát xuất từ 2 cồn cát khác nhau: một ở sa mạc Sahara nằm phía tây nam Ma Rốc, và cái còn lại gần Al-Askharah, một thị trấn bờ biển ở phía đông nam Oman, trên bán đảo Ả Rập. Tại Ma Rốc, cát liên tục phát ra âm thanh ở mức 105 Hertz, trong phạm vi nốt Sol cao 2 quãng tám dưới nốt Do trung. Còn cát ở Oman cũng rì rầm, nhưng lại tạo ra âm thanh dao động từ 90 đến 150 Hertz, tức từ nốt Fa cao đến nốt Rê. Sự khác biệt trên là do hình dạng và kích thước của cát. Trong khi cát ở Ma Rốc hầu như tương đồng về kích cỡ và hình dạng, cát ở Oman tập hợp nhiều loại khác nhau. Kết quả thí nghiệm cho thấy âm vực của các nốt nhạc trong những bài hát của cát phụ thuộc vào kích thước của từng hạt và tốc độ chúng di chuyển trong không khí.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn không thể nào hiểu nỗi tại sao những chuyển động tưởng chừng như hết sức vô vị, nhàm chán và đều đặn của cát lại tạo ra âm thanh mê hoặc đến như vậy. Có thể đây là một bí ẩn khác của tự nhiên vẫn đang chờ được khám phá.
Theo Tổng hợp