Có những thi thể không bị rữa nát qua thời gian dù không trải qua bất cứ sự can thiệp kỹ thuật nào. Hiện tượng có vẻ đi ngược với quy luật tự nhiên này được gọi là nhục thân bất hoại (incorruptible body). Thánh Bernadette (Lourder, Pháp) là một ví dụ điển hình. Bà qua đời ở tuổi 35. Và 30 năm sau đó (1909), vì một nghi lễ tôn giáo, nhà thờ đã khai quật mộ. Đại diện nhà thờ, bác sĩ phẫu thuật và những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc khi thấy thi thể của bà vẫn nguyên vẹn, dường như đang trong một giấc ngủ dài.
Bác sĩ phẫu thuật Tourdan đã ghi lại những gì ông quan sát được: “Cỗ quan tài của bà được mở ra dưới sự chứng kiến của mọi người trong đó có tôi. Di hài của Thánh Bernadette trong trang phục yêu thích của bà không hề có mùi xú uế. Khuôn mặt, bàn tay và cẳng tay lộ ra bên ngoài. Đầu của bà nghiêng sang một bên, miệng hé mở có thể nhìn thấy hàm răng trắng. Hai tay đặt trên ngực, vẫn giữ được lớp da hoàn hảo”. Gia đình của Thánh Bernadette đã làm lễ tắm rửa, thay quần áo và quan tài cho bà. Di hài của bà được đặt vào một vị trí mới sâu trong nhà mồ.
Vào năm 1913, Giáo hoàng Pius 10 phong Thánh cho Bernadette. Điều này đồng nghĩa với việc mộ của bà được mở ra một lần nữa. Việc này bị gián đoạn đến năm 1919 vì cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều kinh ngạc là ở lần khai quật này, di hài của bà vẫn nguyên vẹn.
Thánh Bernadette trong quan tài pha lê. (Ảnh: Livingmiracles)
Năm 1925, một lần nữa, Bernadette được Giáo hoàng Pius 11 phong Thánh. Lần thứ ba, mộ bà được mở ra. Di hài được đưa vào một quan tài bằng pha lê cho mọi người chiêm ngưỡng và quàn tại nhà nguyện ở Nhà thờ Lourder cho đến bây giờ.
Các tài liệu tôn giáo ghi nhận nhiều trường hợp các vị thánh “nhục thân bất hoại”. Thánh Jean Marie Baptiste Vieanney (1786-1859) được khai quật năm 1904, xác cũng còn nguyên vẹn. Thánh Francis Xavier (1506-1552) được chôn cất tại một đảo ở Trung Quốc trong quan tài bằng gỗ. Khoảng 2 tháng rưỡi sau, người ta khai quật mộ ông để di chuyển, thấy thánh thể vẫn như lúc sống. Hiện nay di hài 400 năm tuổi của ông vẫn còn nguyên và được lưu giữ tại Goa (Ấn Độ).
Hiện tượng nhục thân bất hoại không chỉ được ghi nhận trong Thiên chúa giáo, mà còn xuất hiện nhiều đạo khác như Phật giáo, Hindu. Mộ đại sư Itigelove (1852-1927, Siberia, Liên bang Nga) được khai quật năm 2002 đã gây kinh ngạc. Nhục thân của ông liệm trong lớp vải lụa, quàn trong một quan tài bằng gỗ tuyết tùng, chôn dưới huyệt mộ. Khi khai quật, thi thể của ông vẫn còn nguyên, da dẻ mịn màng, các khớp xương vẫn mềm mại có thể co duỗi được. Hiện nay, xác của ông đang được lưu giữ tại Ivogisky Datsan.
Di hài Thánh Francis Xavier (Ảnh: sspxasia)
Phương pháp tự biến thành xác ướp mà không hề sử dụng bất cứ kỹ thuật nào được ghi nhận tại Nhật Bản với cái tên Sokushibutsu. Các nhà tu hành sẽ luyện chế độ ăn uống, tu hành đặc biệt. Họ chọn ngày giờ để viên tịch và chỉ dẫn cách, nơi tống táng bản thân. Ở vùng Yamagata (Bắc Nhật Bản) có khoảng 16-24 xác “tự ướp” được tìm thấy.
Khoa học đang tìm lời giải
Các tài liệu tôn giáo nhìn chung đều cho rằng hiện tượng các vị thánh, cao tăng đạt tới nhục thân bất hoại là do sức mạnh siêu nhiên, hoặc tu luyện đến độ gột rửa sạch mình đến mức cơ thể không thể bị phân hủy.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện tượng này, nhưng theo một hướng khác. Một giả thiết được đưa ra là trong những điều kiện môi trường, vật chất khá đặc biệt (như nhiệt độ, độ ẩm, yếm khí), vi khuẩn bị tiêu diệt làm quá trình phân rã theo tự nhiên không thể thực hiện.
Bằng chứng mà các nhà khoa học đưa ra là xác ướp tự nhiên 5.000 năm tuổi của một người đàn ông Celt tìm thấy trên dãy Apls (Áo). Xác ướp nguyên vẹn do vô tình được bảo quản bởi lớp băng giá trên đỉnh núi cao. Hoặc những xác ướp của người và động vật có độ tuổi 5.500 năm, được tìm thấy trong các vùng đầm lầy tại Bắc Âu, Anh Quốc, Ireland, còn nguyên do môi trường đầm lầy có tính acid, yếm khí, vô hình trung đã tiêu diệt vi khuẩn.
Di hài Thánh Vincent de Paul (Ảnh: Livingmiracles)
Giới khoa học Nga đang sử dụng các phương tiện phân tích hiện đại nhất để tìm hiểu hiện tượng bất hoại của đại sư Itigelov. Họ giả thiết rằng, có thể trong quá trình tu hành, khổ luyện, ông đã sử dụng những loại hóa chất có sẵn trong tự nhiên, theo một trình tự bí mật nào đó trong ăn uống hằng ngày để “gột rửa” sạch cơ thể. Và vì thế xác của ông không bị phân hủy dù trong điều kiện bình thường. Để chứng minh được giả thiết này, các nhà khoa học cần rất nhiều tài liệu liên quan đến quá trình tu luyện của các đại sư, nhưng điều này luôn được giữ tuyệt mật và gần như người thường không thể tiếp cận.
Cho đến nay, chưa có cơ sở nào để giải thích hiện tượng nhục thân bất hoại. Hiện tượng này đang bị bao phủ bởi một bức màn kỳ ảo, và tất cả vẫn đang là giả thiết.
Di hài Thánh Catherine Laboure (1806-1876). (Ảnh: Livingmiracles)
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress