Bí ẩn ở chỗ, cho dù có bị chặt đầu, loài giun này không những mọc lại đầu một cách nguyên vẹn mà thậm chí còn có thể khôi phục trí nhớ.
Trong thần thoại Hy Lạp, người anh hùng Hercules phải chiến đấu với Hydra, một con rồng 9 đầu. Chặt đầu này, nó lại mọc ra hai cái đầu mới.
Còn giới khoa học thì từ lâu đã biết đến khả năng tái sinh kì diệu này của loài giun dẹp Planaria: chúng mọc lại đầu mới sau khi bị chặt đầu.
Về phân loại, Planaria được xếp vào ngành giun dẹp. Thoạt nhìn, loài động vật chuyên sống ở đáy sông, đáy hồ này chẳng có gì đặc biệt. Cơ thể chúng chỉ dài một đốt ngón tay. Giun dẹp có bộ não và hai mắt ở phía đầu, có khả năng cảm nhận được ánh sáng.
Thế nhưng loài giun nhỏ bé này có khả năng đặc biệt mà hầu hết các loài động vật không có. Nếu bị chặt mất phần đầu, chỉ trong vài tuần từ thân giun, một cái đầu hoàn chỉnh khác sẽ mọc lại như cũ!
Thế còn phần đầu bị cắt ra? Các tế bào của đầu giun cũng lập tức phân chia và khôi phục lại cả một cơ thể nguyên vẹn. Tóm lại, từ một con giun bị cắt rời, hai con giun mới giống hệt nhau sẽ hình thành.
Tương tự như vậy, sẽ ra sao nếu giun Planaria bị cắt làm ba mảnh? Ba phần của con giun không vì thế mà chết đi, trái lại, chúng tiếp tục phát triển thành ba cá thể giun mới. Các nhà khoa học kết luận, khả năng tái sinh độc đáo này đã được quy định trong hệ gene của giun.
Vì thế, dù bạn có băm vằm con giun Planaria thành hàng trăm mảnh thì chúng cũng không hề hấn gì. (nghe có vẻ đáng sợ, đúng không?)
Bởi chỉ cần một tế bào của con giun trưởng thành cũng đã đủ để nó tự nhân lên thành một cơ thể hoàn chỉnh.
Không chỉ sống rất dai, loài giun này còn khiến các nhà khoa học sững sờ vì khả năng khôi phục trí nhớ sau khi “chết” của nó.
Hai nhà khoa học Michael Levin và Tal Shomrat từ ĐH Tufts đã tiến hành một cuộc thử nghiệm. Họ đặt thức ăn và chiếu đèn để dụ con giun ra chỗ có ánh sáng. Vì vốn là một loài ưa bóng tối, phải mất một thời gian con giun mới “học” được cách kiếm thức ăn ở chỗ có nhiều ánh sáng.
Sau đó, đầu con giun bị chặt đi. Trong vài tuần, một cái đầu khác mọc lại và thật ngạc nhiên, nó vẫn lặp lại hành vi đi ra ánh sáng để kiếm thức ăn như trước lúc “chết”.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm lời giải cho hiện tượng kì lạ này. Làm sao cái đầu mới mọc lại có thể nhớ được hành vi của một cái đầu khác trước đây? Họ đưa ra giả thuyết rằng trí nhớ của giun được lưu trữ trong một số tế bào khác bên ngoài não bộ. Nhưng họ chưa thể xác định được những tế bào đó ở đâu và hoạt động ra sao.
Điều bí ẩn này khiến chúng ta liên hệ đến cơ thể con người. Liệu trí nhớ của con người có thể được lưu giữ ở một cơ quan nào khác như tim hay gan? Liệu những người được ghép tạng có thể được truyền lại kí ức của người hiến tạng? Đó vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp.
*Bài viết dựa trên thông tin và quan điểm của nhà khoa học Robert Krulwich từ chuyên trang Khoa học của NPR.
Theo Trí Thức Trẻ