Bí ẩn loài vật lai giữa khỉ và dơi

Trong một số cánh rừng già của Malaysia, có một loài vật mà cư dân địa phương rất sợ, đó là loài vượn cáo bay (tên khoa học Galeopterus variegates).

Sở dĩ người dân ở đây sợ hãi chúng, bởi chúng được xem là hiện thân của ma cà rồng. Người ta đồn đại rằng, loài vượn này bay lượn được trên trời và chuyên hút máu người để sống.

Theo các nhà khoa học, đó hoàn toàn là những lời đồn đại nhảm nhí. Sự thật về loài vượn cáo bay không phải như vậy. Người dân địa phương sợ chúng, có lẽ là bởi chúng có bộ dạng hết sức quái dị, là thứ lai tạp giữa khỉ và dơi, hai loài chẳng có mối liên kết gì với nhau. Chúng mang thân hình của khỉ, nhưng lại có cánh như dơi.

Thực ra, loài vượn này không bay được như cái tên của nó, mà chúng có bộ màng lớn, để lượn trong không trung, bay từ cây này sang cây khác. Với bộ cánh mỏng, rộng, chúng có thể liệng xa đến 150 mét từ cây nọ sang cây kia. Nếu gặp gió lớn, chúng có thể lợi dụng sức gió và bay xa hơn.

Nhưng để thực hiện được việc bay lượn với một khoảng cách như trên thì chúng cần bao nhiêu năng lượng cơ thể? Kết quả nghiên cứu cho thấy loài vượn cáo bay khi trèo lên cây tại độ cao khoảng 8m và thực hiện bay lượn từ cây A đến cây B thì chúng sẽ hao phí năng lượng 1,5 lần so với việc di chuyển trên mặt đất giữa khoảng cách 2 cây A – B.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là tuy hao phí năng lượng cơ thể nhưng chúng lại tiết kiệm được thời gian di chuyển bằng việc bay lượn nhanh chóng giữa các cây.

Bộ màng này nối chân trước với chân sau và đuôi, gần giống với dơi, giúp tăng cường khả năng bay lượn khi cần thiết. Loài vượn cáo bay cũng có mặt ở Singapore, tuy nhiên, số lượng vô cùng ít ỏi và hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu bảo tồn động vật hoang dã Singapore.

Loài vượn cáo bay, còn gọi là vượn cáo Malaysia. Chúng có họ hàng xa với các loài động vật linh trưởng. Xưa kia, loài vật này vốn có mặt rộng rãi ở các khu rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng đã biến mất từ nhiều năm trước và số lượng còn lại ở Malaysia là khá ít ỏi.

Loài vượn này có tập tính sống về đêm, trốn trên các cây cao, ít khi xuống đất. Chúng tránh xa môi trường sống của con người. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loại quả, hạt, lá. Thi thoảng chúng cũng gặm vỏ cây và liếm nhựa. Có lẽ, vì thế nên người dân địa phương tin rằng chúng chuyên hút máu người?

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa có sự hiểu biết về loài vượn cáo bay. Thông tin khoa học về chúng vô cùng ít ỏi. Các nhà khoa học tin rằng, sở dĩ chúng có cánh là bởi quy luật tiến hóa. Bộ cánh giúp chúng tìm kiếm thức ăn trên ngọn cây cao, các tán lá, và đặc biệt là giúp chúng trốn kẻ thù.

Trong quan niệm của người dân địa phương Malaysia, loài vượn cáo bay mang lại điềm xấu, nên khi gặp loài vật này, họ sẽ giết hại. Các nhà khoa học hiện tích cực tuyên truyền đến các cư dân bản địa, nâng cao nhận thức, nhằm bảo vệ những con vượn cáo bay cuối cùng còn sót lại trên hành tinh.

 

Theo VTC