Đi xe máy hơn 50km theo quốc lộ 43 xuống Bến Trai. Xuôi dòng sông Đà về xã Suối Bàng – Huyện Mộc Châu – Sơn La, thêm 4km đường rừng chui qua những đám rễ cây, dây leo chằng chịt là thế giới kỳ bí của hang Khoang Tuống – trong hệ thống những hang ma phát hiện được ở Suối Bàng.
Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi ở Mộc Châu
Đỉnh Củm Tây cao gần 1.000m, đường rất dốc có nơi gần như phải áp mặt vào vách đá và rướn người lên từng mét một.
Cửa hang ở độ cao khoảng 700m, nơi được cho là còn cất giữ nhiều mộ thuyền nhất. Người dân địa phương gọi đây là hang ma Khoang Tuống II. Hang mái đá hình vòm ếch, thoáng rộng, sâu vào chỉ khoảng từ 3 đến 4m, chiều dài khoảng 16m, tạo thành mái vòm nhiều nấc, đỉnh vòm cao nhất khoảng 20-25m, còn chỗ kê quan tài có mái cao chỉ khoảng vài ba mét, mưa rừng không thể hắt đến nơi đặt mộ thuyền.
Những quan tài hình thuyền này trước đây hầu hết được kê gác lên các mỏm đá nhô sát với trần hang, phía dưới có những đoạn cột chống, đầu đẽo chạc, hoặc giá đỡ từng chiếc quan tài một cách chắc chắn. Nhưng có thể do thời gian, động đất, lở đá mà tệ hại nhất là những kẻ “mộ tặc” đã đến nơi này săn tìm báu vật và đang tâm quăng những chiếc quan tài treo này xuống nền hang. Nhiều mộ thuyền đã bị vỡ thành nhiều mảnh, phía trong lòng mộ thuyền có nhiều vỏ ốc núi, lá rừng khô… Do ở chót vót trên đỉnh núi nên nhiều chiếc quan tài còn gần như nguyên vẹn.
Tất thảy những quan tài trên đều được làm từ gỗ đinh thối. Đây là loại gỗ quý có độ bền cao. Quan tài được trang trí những hoa văn họa tiết rất cầu kỳ và hai đầu đều được đục hình đuôi én. Trong lòng quan tài, phần đặt đầu người chết được khoét hình lòng bát.
Sở dĩ những quan tài này được gọi là mộ thuyền bởi chúng đều được tạo từ một thân gỗ nguyên cây. Những người thợ đã xẻ dọc thân một cây gỗ có đường kính tầm hơn 1m rồi dùng đục khoét sâu vào mỗi bên chừng 0,30mm. Mỗi nửa này có thể trở thành một thân thuyền độc mộc.
Tại động Khoang Tuống II còn 18 bộ quan tài gỗ nằm vất vưởng, chồng đống ngang dọc khắp mặt hang. Trong đống ngổn ngang đổ nát còn 2 mộ thuyền chứa những mẩu xương người. Một chiếc đựng bên trong một hộp sọ có cả xương hàm và bộ răng là của người lớn, độ tuổi khoảng 36 – 42, cùng với vài ba mẩu xương đùi, xương ống chân, mảnh vụn xương chậu. Một chiếc mộ thuyền nhỏ hơn đựng nửa hộp sọ không còn nguyên vẹn, có lẽ là hộp sọ của trẻ nhỏ (chừng 10 tuổi).
Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng xã Suối Bàng của huyện Mộc Châu đã có tới hàng chục động hang ma như trên. Mỗi động ít thì có dăm ba chiếc mộ thuyền, nhiều lên tới vài chục chiếc. Ngoài ra còn có ở các xã Mường Sang, Tô Múa, Tân Lập…
Có nhiều truyền thuyết về hang ma. Các cụ kể rằng những ngôi mộ táng trên các động kia đều là những mộ chứa xương của một bộ tộc ăn thịt người. Như vậy những bộ xương trong động là xương những người đã bị ăn thịt.
Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Cách đây hàng trăm năm, người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay) và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Người Xá bắn tên rất giỏi đã thách người Thái bắn tên lên vách đá để xác định chủ quyền vùng đất. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.
Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Giữ đúng lời giao đấu là không được sinh sống hay săn bắn, trồng trọt nơi đây nữa. Khi chết, người Xá không dám chôn cất người chết trên đất của người Thái đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi dấu trên các vách đá cheo leo.
Ông Phạm Việt Hùng, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mộc Châu cho biết các mộ thuyền trong hang mộ có niên đại ít nhất khoảng 600 năm, quan tài được làm bằng loại gỗ đinh thối. Nhiều khả năng người ta chọn loại gỗ này vì mùi khó chịu của gỗ sẽ làm thú rừng không lại gần.
Điều đầu tiên mà bất cứ ai khi được tiếp xúc với khu mộ thuyền ở Suối Bàng chính là câu hỏi, “tại sao người ta có thể đưa được những khối gỗ nặng 400 – 500 kg lên độ cao cả ngàn mét để an táng cho người chết?”.
Giả thuyết đầu tiên được đặt ra là những người được an táng dạng này thường là những quan lang hoặc những người có chức sắc trong bộ lạc người Xá thời ấy. Khi chết, họ sẽ được khiêng, rước lên các động đá. Và các dân phu cũng sẽ dùng cưa, rìu để hạ những cây gỗ gần đấy để an táng cho các vị này. Song có một vấn đề là hầu như tất cả các mộ thuyền ở đây đều bằng gỗ đinh thối. Vậy nhưng khi chúng tôi tiến hành khảo sát thì hầu như không thấy một dấu hiệu nào thể hiện nơi đây có một gốc đinh thối nào cũng như những dấu tích thể hiện loài cây này đã từng hiện diện tại đây.
Giả thuyết thứ hai là người Xá đã dùng thuyền chở gỗ đinh thối từ các khu vực khác, tập kết tại khu bến phà Vạn Yên (nay thuộc xã Tân Phong, Phù Yên, Sơn La) rồi lại chuyển tiếp tới bến đò Lồi. Từ đó sẽ được chuyển tới các động hang ma.
Song câu hỏi ở đây là những khối gỗ nặng với 400-500kg, những người bản địa bằng cách nào có thể mang được chúng lên tít cao như vậy? Nếu quả thật giả thuyết này là chính xác thì có thể nói người Xá cổ xưa đã có trình độ vận chuyển gỗ thuộc hàng… siêu cao thủ!
Một bí ẩn nữa là trong chuyến khảo sát mới đây tới một hang mộ cổ đã bị… kẻ khác khai quật, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mộc Châu đã lượm được một đoạn xương ống tay và mấy miếng bát cổ. Điều lạ lùng là đoạn xương ấy lại dài hơn nhiều so với xương ống tay của những người cao lớn bây giờ. Điều ấy đã đặt ra giả thuyết mà chưa ai tìm được câu trả lời thỏa đáng: Người xưa có thể trạng to lớn hơn người bây giờ?
Những bí ẩn trên có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức của các nhà khoa học, các nhà dân tộc học lẫn các nhà khảo cổ. Tuy nhiên đến thời điểm này thì hầu hết các điểm mộ thuyền ở xã Suối Bàng đã bị khai quật, không còn nguyên vẹn.
Theo Tổng hợp