Bí ẩn những vụ tự sát tập thể của loài vật

0
101
Bí ẩn những vụ tự sát tập thể của loài vật

Một đàn cừu bỗng dưng “rủ nhau” nhảy xuống vực sâu, cả bầy cá heo thi nhau nhảy lên bãi biển, hàng ngàn con chuột cùng nhau lao mình xuống làn nước lạnh… Nếu như đấu tranh sinh tồn là quy luật của cuộc sống vạn vật trên trái đất, thì hiện tượng một số loài tự tìm đến cái chết hàng loạt là điều kỳ lạ mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được cặn kẽ.

  • Kỳ lạ ngôi làng chim tìm về để chết

Bí ẩn quanh những vụ tự sát tập thể của động vật

Cừu tự sát

Ngày 26/8/2007, tại tỉnh Van phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ ở gần Iran, hàng ngàn con cừu đã theo con đầu đàn nhảy xuống một khe núi để… chết. Tổng cộng 450 con đã chết trước sự bất lực của những người chăn cừu. Chúng đã nhảy từ độ cao 15 mét xuống vực sâu. Những chú cừu xấu số này sau đó lại trở thành tấm đệm cứu thoát được khoảng 1.100 con khác cũng lao xuống theo. Tuy nhiên chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.

Bí ẩn những vụ tự sát tập thể của loài vật
Động vật tự sát tập thể đến nay vẫn là 1 hiện tượng bí ẩn với khoa học

Cá voi tự sát tập thể

Trong những thập kỷ qua, tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, người ta thường chứng kiến những cuộc “tự sát tập thể” của các loài cá heo, cá mập và đặc biệt là những con cá voi khổng lồ trên các bãi biển.

Cư dân vạn chài ở vùng Nam và Bắc Mỹ, Nam Ohio, quần đảo Tasmania của Australia và cả Nhật Bản… từng chứng kiến nhiều trường hợp hàng chục con cá voi hay cá heo rủ nhau cùng tìm đến cái chết, thường vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm.

Bí ẩn những vụ tự sát tập thể của loài vật
Hiện tượng bí ẩn động vật tự sát làm đau đầu các nhà khoa học

Vụ tự tử lớn nhất của loài động vật biển này xảy ra vào ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình lên bãi cát, nằm phơi mình trước những ánh mắt hiếu kỳ của du khách. Điều kỳ lạ là khi người ta cố gắng đẩy chúng xuống nước thì chúng lại cứ ngoi lên, tựa hồ như chúng cố tình muốn chết. Dưới sức nóng của ánh nắng mặt trời và bị đè bẹp bởi trọng lượng bản thân, lũ cá heo dần dần không cử động được nữa. Vì không thể nâng lồng ngực lên để thở nên chúng đã chết ngạt sau một thời gian ngắn.

Tháng 9/2010, nhân viên môi trường tìm thấy gần 100 chú cá voi hoa tiêu mắc cạn tại bờ biển vịnh Spirit, cách Auckland, New Zealand 320km về phía Tây Bắc. Khoảng 60 trong số gần 100 chú cá voi dạt vào bờ đã chết. Các nhân viên của Cục bảo tồn động vật hoang dã New Zealand sau đó phải kêu gọi hàng trăm tình nguyện viên đến để giúp đưa những chú cá còn sống sót về lại biển.

Chuột tự sát

Hành vi tự sát tập thể không chỉ là hiện tượng lạ đối với cá heo hay cá voi mà còn tìm thấy ở loài chuột. Các nhà động vật học đã ghi nhận: Vào đầu tháng 5/1995, trên một vùng rộng chừng 10.000km2 ở khu vực tự trị Tân Cương (Trung Quốc) đã xảy ra hiện tượng chuột tự sát tập thể. Ở đây có loài chuột đồng mắt rất to, dân chúng gọi là “quỷ mắt lồi”. Chúng kéo đến các ao, hồ, từng đôi một cắn đuôi nhau lao mình xuống nước tự tử. Chỉ vài hôm sau, tại tất cả các ao hồ trong vùng, xác chuột nổi kín mặt nước.

Mối tự sát tập thể vì đồng loại

Trong thế giới tự nhiên, lạ lùng nhất có lẽ là cách tự sát tập thể vì đồng loại của loài mối Globitermes sulfureus. Khi một đàn kiến xâm nhập tổ, các chú mối thợ phản ứng như những quân nhân quyết tử trước kẻ thù. Bắt đầu từ vòng bảo vệ ngoài, lần lượt vào đến trong, chúng đồng loạt co cơ bụng cho đến khi cơ thể bị nứt ngang cổ, phóng ra một giọt nhựa dính. Kiến bị vướng chân trong chất nhựa dính này và chết tại chỗ. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rằng mối có ý thức được hành vi tự sát của mình hay không nhưng chúng đã thực sự hy sinh thân mình để bảo vệ mối chúa. Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ giống nòi bởi những chiến binh mối, như các côn trùng thợ khác, không bao giờ sinh sản.

Chó nhảy cầu tự sát

Trong vòng 50 năm qua, khoảng 50 con chó đã nhảy xuống cầu Overtoun ở Milton, Scotland và chết. Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự huyền bí của cây cầu này. Cầu Overtoun được xây dựng năm 1895, cách mặt nước hơn 15m. Điều kỳ lạ nữa là những con chó chết ở đây đều nhảy cùng một vị trí.

Bồ nông mất phương hướng

Năm 2009, chim bồ nông ở Tây duyên hải Mỹ đột nhiên có những hành động rất lạ. Một số con đâm vào ô tô, con thì đâm vào thuyền buồm, những con khác mất phương hướng. Hàng trăm con cuối cùng đã chết. Vì sao lại có hiện tượng trên? Các nhà khoa học chưa có lời giải chính thức nhưng họ cho rằng có thể là do một loại virus hoặc thời tiết gây ra.

Mực tự sát

Bí ẩn những vụ tự sát tập thể của loài vật
Hiện tượng bí ẩn mực tự sát hàng loạt ở vịnh Monterey

Năm 2012, tại vịnh Monterey, hàng ngàn con mực Jumbo bỗng nhiên lao vào bờ tự tử. Nhiều người đã cố gắng cứu những con mực bằng cách đưa chúng trở lại biển nhưng sau đó, chúng vẫn tiếp tục lao vào bờ.

Chim tự sát hàng loạt

Ngôi làng Jatinga ở Ấn Độ được biết đến là nơi chim thường chết hàng loạt trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Hàng trăm con chim cứ đến lúc mặt trời lặn là đâm đầu vào các tòa nhà và cây cối. Các nhà khoa học cho rằng do loài chim này thích ánh sáng song đến nay hiện tượng này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Thử đi tìm nguyên nhân

Điều gì đã khiến một số loài động vật rủ nhau cùng tìm đến cái chết? Nhiều giả thuyết được đặt ra trước hiện tượng tự tử tập thể này, nhưng không mang tính thuyết phục. Chẳng hạn như, với vụ tự sát tập thể của đàn cừu hàng ngàn con ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra gần đây nhất. Theo tờ nhật báo Radikal của Thổ Nhĩ Kỳ thì nguyên nhân chính của vụ này là do những người chăn cừu ở làng Ikizler trong một thời gian dài đã lơ là việc chăn dắt, để cho chúng phải chịu nhiều đói rét và kết quả là cuộc tự sát của cả bầy cừu. Tuy nhiên, lý giải này không được đông đảo giới khoa học đồng thuận, bởi người ta cho rằng dù có thế nào thì bản năng sinh tồn cũng chi phối mạnh mẽ cuộc sống của vạn vật.

Ở Australia, nơi thường xuyên diễn ra những màn tự sát của động vật biển, người ta đã thành lập một tổ chức chuyên nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này. Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn đang mải miết làm việc. Bộ trưởng môi trường liên bang Australia, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu này cho biết: “Hiện tượng cá voi tự sát tập thể diễn ra khá thường xuyên dọc theo bờ biển Tasmania và ở eo biển nối với Australia vào thời điểm này trong năm, cũng như ở New Zealand, nhưng thật không may cho đến giờ chúng ta vẫn chưa biết chính xác tại sao điều đó lại xảy ra”.

Đối với một số loài động vật, như loài mối, loài bọ cạp…, một số nhà sinh vật học cho rằng, bản thân chúng sinh ra đã mang trong mình “gen tự sát“. Việc cùng tìm đến cái chết trong một số hoàn cảnh nào đó giống như một hành động theo bản năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự chọn lọc tự nhiên, sao cho có lợi nhất cho nòi giống.

Kinh nghiệm dân gian lại khẳng định hiện tượng loài vật nào đó tự sát tập thể là dấu hiệu báo trước một hiểm họa thiên nhiên lớn sắp xảy đến như động đất, sóng thần, bão lốc… Có quan điểm khoa học cho rằng hiện tượng này là biểu hiện của quy luật tự nhiên về cân bằng sinh thái: loại bỏ số khẩu dư thừa trong một cộng đồng. Như sự tự sát của những con chuột ở Na Uy chẳng hạn. Chúng ý thức được tình trạng thiếu thốn thức ăn nên đã tự nguyện nhận lấy cái chết để những con còn lại không bị chết đói. Tuy nhiên, cơ chế nào dẫn đến hành động tự sát tập thể của những loài vật này và hành động đó thực sự “có ý thức” hay không thì cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

 

Theo Đỗ Duy Anh – www.suckhoedoisong.vn