Một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật Bản cho biết, trận động đất mạnh 8,9 độ richter hôm 11/3 vừa qua tại nước này có thể đã xảy ra với nhiều tâm chấn, trải trên diện rộng hơn so với dự đoán.
Đài truyền hình NHK của Nhật đưa tin, một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật đã đưa ra kết luận rằng trận động đất lần này xảy ra với 4 tâm chấn, trải trên diện rộng hơn so với dự đoán.
Theo kết luận trên, 4 tâm chấn đã xuất hiện cùng một lúc. Bốn khu vực tâm chấn tạo thành một vành đai dài vài trăm kilômét, từ khu vực ngoài khơi tỉnh Miyagi tới khu vực ngoài khơi tỉnh Ibaraki.
Khung cảnh hoang tàn được chụp từ trên cao ở vùng tâm chấn động đất Sendai, Nhật
Ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật cho biết, các chuyên gia địa chất đã không hình dung được là sẽ có một trận động đất với nhiều tâm chấn cùng một lúc.
Ngay tối 11/3, một buổi họp báo của Ủy ban Nghiên cứu Động đất đã được tổ chức do Giáo sư Danh dự Abe Katsuyuki thuộc trường Đại học Tokyo chủ trì.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Abe cho biết, các dữ liệu quan trắc thu được tại một đài quan sát sử dụng hệ thống theo dấu động đất bằng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) cho thấy, mặt đất đã di chuyển khoảng 4m về phía tây.
Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình CNN ngày 13/3, nhà địa vật lý học của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) Kenneth Hudnut cho biết trận động đất hôm 11/3 đã khiến đảo Honshu của Nhật xê dịch đến 2,4m. Ông cũng cho biết sự rung chuyển cực lớn của trận động đất là do các thềm lục địa nằm sâu dưới biển tạo ra, đã làm trục trái đất chệch đi ít nhất 8cm.
Một khu vực đô thị bị sóng thần tàn phá ở Nhật Bản.
Còn Phó Giám đốc Viện Địa lý thuộc Học viện Khoa học Nga Arcady Tishkov thì đổ lỗi cho mặt trăng và mặt trời trong động đất kinh hoàng hôm 11/3 vừa qua tại Nhật.
Ông Arcady Tishkov phân tích trên Đài Tiếng nói nước Nga rằng: Thứ nhất, chu kỳ hoạt động địa chấn của trái đất liên quan mật thiết với mặt trời. Mặt trời tuôn ra các luồng proton, ảnh hưởng tới sự hoạt động của trái đất.
Thứ hai, mặt trăng hiện nay đang ở gần trái đất nhất, kết hợp với ảnh hưởng của mặt trời có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các đại dương, cụ thể là chế độ hoạt động của hải lưu. Và khi đó, Thái Bình Dương thay đổi chế độ mặc định của thủy triều, chắc chắn ảnh hưởng đến chuỗi núi lửa, được gọi là vành đai lửa của Thái Bình Dương.
Theo Vietnamnet