Bí ẩn quanh kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập

Bí ẩn quanh kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập

Được xây dựng tại Saqqara khoảng 4.700 năm trước, kim tự tháp bậc thang Djoser là kim tự tháp đầu tiên của người Ai Cập.

Djoser đôi khi được đánh vần là Zoser, (mặc dù thực tế ông được gọi là Netjerykhet) là vị vua triều đại thứ ba của Ai Cập.

Người lập kế hoạch xây dựng kim tự tháp là Imhotep, tể tướng của triều đại sau đó đã được tôn sùng như một vị thánh nhờ các đóng góp của mình.

Kim tự tháp có nguồn gốc ban đầu là một lăng mộ Mastaba – một kiến trúc mặt bằng hình bình hành, trải qua hàng loạt công việc xây dựng đã hình thành một kim tự tháp cao 60 mét với sáu tầng được xây chồng lên nhau.

Việc xây dựng kim tự tháp cần 11,6 triệu mét khối đá và đất sét. Các hầm bên dưới kim tự tháp tạo nên một đường dẫn dài khoảng 5,5km.

Bí ẩn quanh kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập
Kim tự tháp bậc thang Djoser là kim tự tháp lâu đời nhất Ai Cập.

Khu liên hợp

Kim tự tháp nằm ở trung tâm khu liên hợp rộng khoảng 15 hecta, được bao quanh bởi một tường đá vôi gồm 13 cánh cửa giả cũng như lối đi thực sự ở phía đông nam.

Một ngôi đền nằm ở phía bắc của kim tự tháp dọc với tượng đài của vị vua. Tượng đài được bao quanh bởi kiến trúc đá nhỏ được biết đến như là “serdad”. Phía nam của kim tự tháp là một cung điện được rào chắn xung quanh bởi một bệ thờ và các tảng đá.

Rất nhiều các tòa nhà mặt tiền được xây dựng trong khu liên hợp, bao gồm một loạt nhà thờ nhỏ ở phía đông nam cũng như các sảnh đường bắc và nam ở phía đông kim tự tháp. Các cấu trúc phục vụ cho mục đích tôn giáo.

Ở phía đông nam của khu liên hợp, cạnh các nhà thờ nhỏ là một cung điện có lẽ được xây dựng dành cho vua tổ chức các lễ hội Hed – Seb ở thế giới bên kia.

Ở phía nam cuối của khu liên hợp là một lăng mộ huyền bí với một nhà thờ nhỏ. Nó gồm hàng loạt các đường hầm bắt chước kiểu dáng các đường hầm được tìm thấy phía dưới kim tự tháp. Điều gì được chôn giấu ở đó là một điều bí mật.

Bí ẩn quanh kim tự tháp lâu đời nhất ở Ai Cập
Một nhà thờ nhỏ trong cung điện Hep-Sed ở kim tự tháp bậc thang Djoser

Lăng mộ của Vua

Bên dưới kim tự tháp bậc thang là một dãy hỗn tạp các đường hầm và căn phòng, trung tâm là một hầm sâu 28 mét ở dưới đáy là lăng mộ của vua Djoser.

Các công việc bảo tồn gần đây ở lăng mộ phát hiện các mảnh quan tài bằng đá granit của vị vua và tên của các nữ hoàng vẫn còn có thể đọc được.

Nhà Ai Cập học Zahi Hawass, nguyên giám đốc hội đồng di sản tối cao Ai Cập trong một đoạn video vào năm 2009 nói về công việc bảo tồn ở kim tự tháp: “Kim tự tháp bậc thang là kim tự tháp duy nhất trong triều đại cổ mà có mười một trong số các con gái của vua được chôn bên trong”.

Hầm mộ ban đầu có thể được trang trí bởi khối đá vôi chứa các ngôi sao năm cánh tạo thành một trần đầy sao. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, việc trang trí này bị những người xây dựng dỡ bỏ thay vào đó là một phòng chôn bằng đá granit đơn giản hơn.

Đường hầm và cung điện dưới mặt đất

Hai lối đi dẫn tới hầm ngầm và chia ngả thành ba hướng. Ở đó chứa ba phòng trưng bày, một hầm nhỏ đặc biệt chứa đồ ăn, và một phòng chưa hoàn thiện có thể đã được xây dựng làm cung điện dưới mặt đất của thế giới bên kia.

Ba cánh cửa giả chứa các họa tiết cho thấy sự sùng bái tôn giáo của vua. Buồng được trang trí với hàng nghìn gạch vuông bằng sứ xanh bắt chước hình vẽ chiếu đan bằng sậy trong cung điện của nhà vua ở Memphis. Căn phòng ở bên dưới kim tự tháp này được hoàn thành một cách nhanh chóng.

Một hầm khác, bắt đầu ở phía bắc của kim tự tháp, chứa 40.000 bát đá, nhiều trong số đó thuộc về tổ tiên của vua. Các quan tài và các phần của hài cốt cũng được tìm thấy.

Sự bảo tồn ngày nay

Kim tự tháp bậc thang là một công trình không bền chắc với những dự đoán cho thấy rằng nếu không có công việc bảo tồn thì các hầm bên dưới kim tự tháp có thể sập và tượng đài có thể mất đi một phần đáng kể trong một vài thập kỉ nữa.

Người Ai Cập đã bắt đầu nỗ lực bảo tồn di sản nhiều năm trước và gần đây Cintec, một công ty xây dựng Anh đã được huy động để hỗ trợ nỗ lực bảo tồn. Họ sử dụng các túi khí lớn để nâng đỡ mái kim tự tháp trong khi thực hiện các công việc sửa chữa cấu trúc kim tự tháp.

Sự vinh danh

Với việc xây dựng kim tự tháp bậc thang, Imhotep cuối cùng được sùng bái như một vị thánh. Nhà Ai Cập học Marc Van De Mieroon viết trong cuốn sách “Lịch sử của Ai Cập cổ đại” của mình rằng vua Djoser dành cho Imhotep một đặc ân, cho phép tên và danh hiệu của ông được khắc vào nền tượng đài vua.

Tham khảo: Livescience

 

Theo Giáo Dục, Livescience