Sau hơn 100 năm, dấu vết bí ẩn trên bức tranh Tiếng hét – The Scream đã được các chuyên gia giải mã. Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ.
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe đến bức tranh “Tiếng hét” – The Scream của danh hoạ Edvard Munch? Đây chính là một trong những tuyệt tác nghệ thuật trong lịch sử của loài người.
Tuy nhiên, ít người biết rằng Edvard Munch đã tạo ra đến 4 phiên bản của bức Tiếng hét, từ năm 1893 – 1910. Trong đó, nổi tiếng nhất là phiên bản có nền màu da cam, được treo tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy.
Thế nhưng, đây cũng chính là phiên bản khiến giới chuyên gia phải đau đầu hàng thế kỷ. Bởi vì, bên trên vai của người trong tranh có một dấu vết trắng kỳ lạ mà không ai có thể lý giải được.
Bức tranh “Tiếng hét” – The Scream của danh hoạ Edvard Munch.
Trong suốt hơn 100 năm, tất cả mọi người, từ dân thường cho đến nghệ sĩ, chuyên gia đều nhất loạt cho rằng đó là dấu… chim đi bậy. Ý kiến này dựa trên một thực tế là hầu hết những tác phẩm của Munch đều được thực hiện ngoài trời.
Tuy nhiên mới đây, các chuyên gia từ ĐH Antwerp (Bỉ) đã tìm ra sự thật: Dấu trắng trông giống vết “chim ị” đó thực ra chỉ là sáp nến.
Để có được kết quả này, nhóm nghiên cứu đầu tiên sử dụng máy X-quang Macro – một loại máy quét huỳnh quang dùng để phân tích các thành phần của vật liệu. Cỗ máy này trước kia đã từng được sử dụng cho một số bức tranh của Rubens và Van Gogh. Máy quét nhanh chóng xác định được vết trắng kia không thể là sơn, vì không hề có dấu vết của thuốc nhuộm hoặc canxi trong đó. Rốt cục, họ phải gửi mẫu sang Hamburg (Đức) để tiếp tục phân tích sâu hơn.
Vệt trắng không hề có dấu vết thuốc màu hay canxi bên trong, chứng tỏ rằng nó không phải màu vẽ.
Và cuối cùng, các chuyên gia kết luận rằng vệt trắng đó chính là sáp nến. Theo Frederik Vanmeert – một trong những người tham gia nghiên cứu: “Tôi đã lập tức nhận ra đó là sáp nến, vì bản thân đã từng tiếp xúc với nhiều dấu vết tương tự như vậy”.
Các chuyên gia cho rằng Munch đã vô tình đánh rơi sáp nến lên tranh trong quá trình thực hiện, đồng thời bác bỏ hoàn toàn lời buộc tội dành cho lũ chim. Tiến sĩ Geert Van der Snickt – người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Phân chim thực sự là một vấn đề nan giải đối với những bức tượng, danh lam thắng cảnh, thậm chí là những chiếc xe mới mua của chúng ta. Nhưng tôi không nghĩ bức kiệt tác trị giá 100 triệu USD này có thể bị thứ đó vấy bẩn”.
Giải oan cho bức tranh triệu đô của Munch.
Snickt chia sẻ thêm: “Việc giải quyết được bí ẩn này cho thấy rằng lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi cũng rất quan trọng, tương tự như các chuyên gia pháp y vậy. Lĩnh vực di sản văn hoá cũng có kỹ thuật và công nghệ thuộc hàng đỉnh cao, nhằm đem lại cho nhân loại những thông tin có giá trị về nghệ thuật trong lịch sử”.