Cá hồi là một loại cá ngon nổi tiếng, chúng đẻ trứng ở dòng nước ngọt, có con chỉ sống một thời gian ngắn trong dòng sông rồi bơi ra biển sinh sống. Đến khi trưởng thành lại quay trở về dòng sông cũ để đẻ trứng. Ai đã thấy cá hồi nhảy vượt ngược dòng thác để về quê cũ đều kính phục lòng dũng cảm và sức mạnh bản năng của cá hồi.
Cá hồi khi trưởng thành lại quay trở về dòng sông cũ để đẻ trứng (Ảnh: frontrangeanglers) |
Biển rộng, sông dài như vậy, biết bao nhiêu dòng sông, làm sao cá hồi có thể nhận ra dòng sông cũ của mình, từ biển cả mênh mông thuộc đường về quê cũ? Đây thật sự là một điều bí ẩn. Chỉ gần đây, các nhà sinh vật học mới áp dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu, tìm câu trả lời.
Một số nhà khoa học nêu thuyết mùi vị. Nhà sinh vật học người Mỹ Hasler, khi còn nhỏ ông đã từng về quê nghỉ, thường đi dạo trên đoạn đường ngan ngát mùi hoa cỏ và rong rêu. Bây giờ mỗi lần thấy mùi đó ông lại nhớ đến ngày thơ ấu. Điều này làm ông liên tưởng đến chuyện quay vòng của cá hồi. Ông bắt tay vào nghiên cứu theo hướng mùi vị.
Trải qua hơn 20 năm thí nghiệm, thấy rằng mỗi dòng sông đều có một mùi vị riêng, mùi vị này gân ấn tượng mạnh đối với cá hồi con. Khi lớn lên, chúng theo dấu vết cũ của mùi vị đó dẫn đường để trở về nơi sinh của mình.
Nhưng ở ngoài biển cả, chúng định hướng bằng cách gì, để trở về nơi có mùi vị quen thuộc? Điều này cho đến nay vẫn là câu đố chưa có lời giải.
Theo H.T (Bách khoa tri thức)