Suốt nhiều thập kỷ qua, giới thiên văn học luôn cố gắng tìm ra vật chất tối – thứ vật chất vô hình được cho là chiếm phần lớn trong vũ trụ, chính xác là gì. Một nghiên cứu mới, sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Fermi của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) rốt cuộc có thể cung cấp một vài câu trả lời.
Giáo sư Dan Hooper và các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm quốc gia Fermi ở Illinois, Mỹ đã nghiên cứu một dấu hiệu ở trung tâm dải Ngân hà của chúng ta kể từ năm 2009. Họ hiện tin rằng, dấu hiệu bao gồm hệ thống các tia gamma với bức xạ năng lượng cực cao này do các hạt vật chất tối va chạm với nhau sinh ra.
Ảnh mô phỏng trung tâm của dải Ngân hà hé lộ, sự phát tỏa quá mức các tia gamma có thể là kết quả va chạm của các hạt vật chất tối. (Ảnh: Daily Mail)
Khi các hạt vật chất phá hủy lẫn nhau, chúng giải phóng các tia gamma vào không gian, làm gia tăng ánh sáng rực rỡ rõ thấy ở trung tâm của dải Ngân hà. Khám phá tương tự ở các thiên hà lùn lân cận (những thiên hà nhỏ hơn dải Ngân hà của chúng ta) có thể càng củng cố giả thuyết mới là đúng.
“Đây là dấu hiệu thuyết phục nhất về các hạt vật chất tối mà chúng ta từng thu được”, giáo sư Hooper nhấn mạnh.
Để xác thực phát hiện của mình, nhóm của giáo sư Hooper đã phải loại bỏ các khả năng khác về dấu hiệu, kể cả khả năng các tia gamma do một ẩn tinh xa xôi hoặc một ngôi sao quay nhanh sản sinh ra. Họ nhận thấy, các tia gamma tạo ra phạm vi hoạt động trải dài gần 10.000 năm ánh sáng, bác bỏ khả năng ẩn tinh là nguồn phát xạ.
Nếu khám phá của nhóm Hooper rốt cuộc là đúng, nó sẽ làm nảy sinh một số câu hỏi hóc búa về vật chất tối.
Trước đây, các nhà khoa học từng cho rằng, vật chất tối ra đời từ một loại hạt giả thuyết có tên gọi là “hạt lớn tương tác yếu” (WIMP). Dẫu vậy, nếu vật chất tối đang được tạo thành và va chạm ở trung tâm của thiên hà, nó nhiều khả năng sẽ là một loại hạt nặng hơn nhiều. Điều này sẽ gây ngờ vực đối với một số bằng chứng thu được từ những thí nghiệm trước đây trên Trái đất về vật chất tối.