Bí ẩn xoáy nước kép khổng lồ hút sinh vật biển trên đại dương

Bí ẩn xoáy nước kép khổng lồ hút sinh vật biển trên đại dương

Giới nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế hình thành những cặp xoáy nước hút sinh vật biển đường kính hàng trăm kilomet giữa đại dương.

Bí ẩn xoáy nước kép khổng lồ hút sinh vật biển trên đại dương
Xoáy nước kép hút sinh vật biển và cuốn chúng đi xa. (Ảnh minh họa: Wordpress.)

Những xoáy nước trải rộng hàng trăm kilomet giữa đại dương gọi là dòng chảy xoáy rất phổ biến, nhưng lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát các xoáy nước kết hợp thành cặp xoay tròn theo hai chiều ngược nhau. Trước đây, hiện tượng khó lý giải này mới chỉ được nhắc đến trong giả thuyết và chưa bao giờ xuất hiện trong tự nhiên, theo International Business Times.

Các cặp xoáy nước kích thước lớn gọi là modon được vệ tinh ghi hình. Giới nghiên cứu cho rằng chúng xoay nhanh hơn gấp 10 lần những xoáy nước đơn lẻ và có thể hút sinh vật biển, cuốn qua khoảng cách lớn. Ảnh chụp vệ tinh hé lộ hình ảnh modon di chuyển trên biển Tasman, ngoài khơi phía tây nam Australia, nam Đại Tây Dương và tây Nam Phi.

Sau khi quan sát hiện tượng, các nhà khoa học cố gắng khám phá nguyên nhân hình thành những cặp xoáy nước đại dương và tại sao hoạt động của chúng lại kỳ lạ như vậy. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 28/12.

“Xoáy nước đại dương đơn lẻ gần như luôn hướng về phía tây, nhưng khi tạo thành cặp, chúng có thể di chuyển về phía đông với tốc độ nhanh gấp 10 lần xoáy nước thông thường, do đó chúng đẩy nước đi theo các hướng bất thường ngang qua đại dương”, Chris Hughes, nhà hải dương học ở Đại học Liverpool, Anh, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết. “Chúng tôi phát hiện một cặp xoáy nước xoay theo hai chiều ngược nhau và có quan hệ với nhau, nhờ đó chúng cùng di chuyển dọc biển Tasman trong suốt 6 tháng”.

Một phân tích sâu hơn hé lộ các modon thực chất không hiếm gặp như suy đoán trước đây. Các nhà khoa học quét dữ liệu vệ tinh từ năm 1993 và tìm thấy bằng chứng về 9 modon khác nhau. Trong khi 8 modon nằm ở quanh Australia, một modon hình thành ở phía tây nam Nam Phi, trên biển Đại Tây Dương.

“Tôi tình cờ chú ý đến một đặc điểm trên biển Tasman ở giữa Australia và New Jealand có hoạt động khá kỳ lạ so với mọi nơi khác. Đa số xoáy nước đơn lẻ trôi chậm rãi về phía tây, nhưng đặc điểm này di chuyển rất nhanh về phía đông. Hóa ra đó là xoáy nước kép”, Hughes nói.

Nhóm nghiên cứu chưa rõ nguyên nhân tạo ra hiện tượng xoáy nước kép, họ suy đoán các xoáy nước đơn lẻ có thể tạo thành cặp khi chúng va chạm vào nhau trên đại dương hoặc xô vào bờ biển. Các nhà khoa học quan sát thấy khi các xoáy nước xoay tròn sáp nhập, một luồng xoáy hình chữ U hình thành dưới nước, nối liền hai xoáy nước đơn lẻ và giữ cho chúng di chuyển cùng nhau tới 6 tháng.

Theo Hughes, hiện tượng xoáy nước kép có thể vận chuyển các tổ chức sinh vật qua quãng đường lớn. “Tôi xem xét những khu vực đại dương khác nhưng chỉ phát hiện xoáy nước kép ở vùng biển quanh Australia và một cặp ở nam Đại Tây Dương. Tôi nghĩ những cặp xoáy nước di chuyển nhanh này có thể hút các sinh vật biển nhỏ, cuốn chúng đi với tốc độ cao và qua khoảng cách lớn trên đại dương”, Hughes chia sẻ.

 

Theo VnExpress