Bị ghét vì… giỏi???

0
108

 

Mỗi ngày “lướt” Facebook, tinh thần tôi lại bị tra tấn bởi những “status” vô cùng bực bội, bi quan và chán nản về công việc của một cô bạn. Cảm giác như thể cô ấy đang sống trong địa ngục vậy. Nào là cô bị ghét, bị ghen, bị nói xấu,… Cô ức chế vì cái “bọn ngu” cứ ngày ngày chờ cơ hội để “dìm” cho cô chết. Ức chế vì chuyện chị đồng nghiệp nói xấu cô với sếp, khiến sếp đang tin tưởng giờ quay ra ghét bỏ cô. Chuyện cô phải bò ra làm việc bù cho cả một nhóm chỉ biết “ăn với nằm”. Chuyện cô học hành, bằng cấp đàng hoàng mà bị khinh rẻ không bằng “cái đứa” văn dốt võ dát mà có họ hàng với sếp. Chuyện về quan điểm của cô, rằng theo cô, việc này việc kia thì nhất định phải làm theo cách abc chứ không phải là xyz, vậy mà cả công ty vẫn cứ cố tình làm theo cách không thể chán hơn với cái nhìn hạn hẹp…

Ngày nào cũng thấy cô bị nói xấu, cũng thấy cô bị “chơi bẩn”, bị hạn chế “tầm nhìn” và khả năng. Nhức óc quá, một lần tôi inbox khuyên cô nên nghỉ việc, tìm một môi trường khác tốt hơn. Vậy là nhân tiện có người chạm đến nỗi lòng, cô kể cho tôi nghe một tràng liên lu bất tận suốt mấy tiếng đồng hồ, về sự tệ hại và kém cỏi của cái công sở cô đang làm việc, từ sếp đến bà quản lý nhà kho! Trong suốt câu chuyện của cô, tôi chưa một lần nào thấy cô nhận lỗi về mình. Luôn là vì cô “bị” thế này nên buộc “phải” thế kia… Cô cũng không giấu giếm sự tự hào về bản thân mình, như thể muôn vàn các chân lý lớn lao, cả thế giới này chỉ mình cô hiểu được. Nói chung, cô là một “nạn nhân” của cuộc đời bế tắc?!

Em bị ghét vì em giỏi?

Thực lòng mà nói thì công sở vốn là chốn thị phi. Không ai đến đó mà không “dắt túi” vài câu chuyện về người khác để tranh thủ kể lể bình luận những khi rảnh rỗi. Cũng chẳng ai đến đó mà không bị người khác đem ra bàn tán. Dù bạn tốt thì bạn cũng bị chê giả dối. Bạn tranh thủ cơ hội lập công sẽ bị chê thủ đoạn. Bạn bị sếp ghét cũng bị chê mà bạn “bị” sếp yêu mến cũng càng là cái cớ để người ta đem bạn ra “đì”.

Bị ghét vì... giỏi???
Nói cho công bằng, công sở là một môi trường khá… thị phi.

Nhưng cũng có những người bị cả một tập thể tẩy chay, không ai muốn thân thiết hay gần gũi. Và chính họ cũng cảm thấy chán ghét cả tập thể, không muốn chơi thân và gần gũi với ai. Không thể chia sẻ được với ai điều gì và luôn thấy không khí u ám mỗi khi mình xuất hiện. Những người ấy luôn thấy họ đúng, họ giỏi, luôn nghĩ những người khác trở nên xấu tính, nhỏ nhen với họ vì ghen tị. Đây là những người thực sự có vấn đề!

Họ có giỏi không? Nói “không” thì cũng oan cho họ. Họ cũng có những ưu điểm riêng về năng lực chuyên môn, thường thích tìm tòi, thích nhìn hiện thực từ một cung cách khác. Nhưng quan trọng nhất, không thể giấu nổi ham muốn thể hiện tính cá nhân quá mức. Nỗi khát thèm thể hiện tính cá nhân quá mạnh nên không chịu nhìn vào hiện thực để hiểu cho cái khó của người khác, và chính họ cũng không đề ra được một biện pháp nào khả dĩ hơn bởi những gì họ nói rất “trên trời dưới biển”. Đa số những kế hoạch hay ý tưởng của họ là không thể thực thi nhưng họ luôn tự cho là mình đúng. Họ coi như cả thế giới này phải xoay quanh họ và như vũ trụ có trách nhiệm biến đổi đi vì họ. Nếu không, họ sẵn sàng chỉ trích người khác nhỏ nhen, tham lam, thực dụng… Tôi biết, những người họ chỉ trích ấy, có thể cũng đang nhỏ nhen, tham lam, thực dụng thật đấy. Nhưng cái cách mà họ đang “sôi” lên cũng chứng tỏ sự nhỏ nhen, tham lam và thực dụng không kém phần!

Cứ giỏi là bị ghét?    

Tôi nghĩ, điều này nên đánh giá ở sự thành tâm. Có những người biết nhường nhịn, lắng nghe, biết tạm gác lại ý kiến của mình. Dù chưa được thừa nhận nhưng cũng rất vui vẻ hợp tác với những người xung quanh, không để bụng những sự vặt vãnh thường ngày,… họ sẽ có khả năng tác động đến tập thể, được tập thể đón nhận nhiều hơn những người chỉ cho mình là đúng.

Bị ghét vì... giỏi???
Đừng để lòng ham muốn thể hiện tính cá nhân quá mức của ta lấn át cả lý trí, để mãi mãi ta bị đẩy vào nỗi cô đơn. (Ảnh minh họa)
Tôi mệt nhất là phải nghe đám bạn bè kêu ca cái giọng điệu kiểu “Việt Nam thì kém cỏi cái này cái kia, không được bằng ‘bên Tây’ thế này thế nọ”. Nào là “bên Tây” quản lý thế này, phát biểu thế kia, nào là “ở bển” không ai thèm để ý những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh… như thế. Tôi thấy nực cười, không lẽ hỏi thẳng, vậy bạn giỏi thì đi mà làm cho “Tây”. Bạn dám không? Bạn học hành ra sao? Đi thi còn không thèm học, quay bài như ảo thuật gia, tự học ngoại ngữ thì không dám, đầu óc thì lúc nào cũng so đo hơn thua như vậy… Vậy bạn nghĩ “bên Tây” có chấp nhận bạn không?

Nhưng tôi còn mệt hơn nữa với mấy người có thực lực thực tài, có ngoại ngữ, có bằng cấp được đào tạo đạt tầm quốc tế nhưng về nước cũng chỉ để cãi cọ và trầm cảm, rồi suốt ngày chép miệng “biết thế này mình ở lại Úc, ở lại Anh”... Nói như thể trên đất nước này, dân văn phòng ở khắp nơi đều xấu và tha hóa. Vẫn biết, đôi khi bạn cũng có nhiều hạn chế vì không ít những người thiếu tầm nhìn, không ít những người sợ người khác hơn mình nên cản trở,… Nhưng bạn có bao giờ suy nghĩ từ phía mình, rằng cũng có nguyên nhân là bạn chưa biết cách “nhập gia tùy tục” hay không?

Nếu ở văn phòng ấy cần một thái độ ôn hòa thì sao bạn không ôn hòa? Người ta vẫn có thói quen mời nhau ăn sáng thì bạn tiếc gì vài trăm nghìn? Người ta vẫn ưa tặng quà, ưa chọn những lời dễ nghe để nói với nhau, thì bạn hãy tự nghe cái cách bạn nói xem chính mình có thấy khó chịu không? Sao bạn hòa nhập với đất nước khác thì nhanh và giỏi thế mà về với chính đất mẹ của mình thì khó sống? Chẳng lẽ theo ý bạn, người Việt Nam nên từ bỏ, ruồng rẫy hết cái mảnh đất này để xin nhập cư, để làm người ngoại quốc mà học cái sự “Tây hóa” của người ta hay sao?

Lạc hậu thì đã đành, nhưng cái cách cư xử với sự lạc hậu ấy, nếu đã mất công ăn học thì suy nghĩ như thế nào cho đúng, đừng chỉ nhìn thấy những gì người khác xấu và sai… Hay bạn cho là vì bạn giỏi nên bạn có quyền? Nếu suy nghĩ như vậy, có lẽ chuyện “bị ghét” ở đây cũng… chẳng có gì oan!

Nguyên Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.