Rước họa vào thân vì sử dụng sai cách
Bà Nguyễn Thị Nga (Hoàn Kiếm, HN) mắc bệnh tiểu đường hơn 3 năm và đã dùng thuốc điều trị ổn định trong suốt 2 năm qua. Mới đây, khi nghe người bạn mách rằng có loại thực phẩm chức năng có thể trị “bách bệnh”, không cần ăn kiêng mà lượng đường máu vẫn ổn định, bà không khỏi mừng rỡ. Bà mua liền lúc mấy chục hộp về dùng dần và thay thế hẳn cho những loại thuốc do bác sĩ kê.
Tuy nhiên, mới dùng chưa được hai tháng thì bà thấy sức khỏe kém hẳn đi. Bà thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu, người mỏi mệt và cân nặng cũng tăng nhanh chóng. Đến viện làm các xét nghiệm máu, bà bất ngờ khi thấy lượng đường trong máu của mình ở mức cao nhất trong 3 năm qua, huyết áp cũng tăng đáng kể.
Lúc này, bà mới đem chuyện dùng thực phẩm chức năng thay thế cho thuốc bệnh viện kê ra kể với bác sĩ. Bà đã giật mình khi bác sĩ cho biết thực phẩm chức năng thực ra không phải là thuốc và không có tác dụng trị căn bệnh tiểu đường mà bà đang gặp. Số tiền dành dụm nửa năm lương hưu để mua những hộp thực phẩm chức năng kia không những không có tác dụng chữa bệnh mà còn khiến bà tiền mất tật mang.
Cũng giống như bà Nga, vợ chồng chị Ngọc, anh Sơn (Nghệ An) cũng tin theo lời quảng cáo thực phẩm chức năng có khả năng chữa được mọi loại bệnh, trong đó có cả bệnh yếu sinh lý của anh. Vì tin lời quảng cáo thực phẩm chức năng càng uống nhiều càng khỏe và được chiết xuất từ cây cỏ nên chị Ngọc đã mua cả chục hộp về cho chồng uống. Chị động viên chồng uống hàng ngày để thêm lửa cho đời sống gối chăn. Ai ngờ, sau một thời gian dùng loại thực phẩm này, chồng chị đã phải nhập viện vì… “cậu nhỏ” lên mãi mà không thể xuống được.
Sau một thời gian dùng thực phẩm chức năng, chồng chị có lần phải nhập viện vì… “cậu nhỏ” lên mãi mà không thể xuống được. Ảnh minh họa.
Cũng cả tin như bà Nga, chị Thanh (Ngọc Hồi, HN) được phen hoảng hồn khi cho con gái 8 tuổi ốm yếu dùng thực phẩm chức năng mà không nắm rõ những kiến thức cần thiết. Con gái chị mắc bệnh hen bẩm sinh nên người còi cọc, ốm yếu, lười ăn. Một lần khi đi hội thảo, chị được mách rằng có loại thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng và cũng có thể trị hen. Loại này chiết xuất từ thảo dược nên an toàn với trẻ nhỏ. Chị đã mua ngay về cho con dùng. Không ngờ, dùng chưa đầy tháng con chị bị dị ứng khắp người, khó chịu, phải nghỉ học. Đưa con đi khám, chị mới biết mình đã vô tình làm hại con. Bé dị ứng, tổn thương thận do sử dụng thực phẩm chức năng không đúng chỉ định.
Cần dùng đúng loại và đúng liều
Hiện nay, theo quy định tất cả các sản phẩm thực phẩm chức năng khi quảng cáo đều phải nói rõ: Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc. Tuy nhiên, dưới những lời quảng cáo hoa mỹ, thậm chí thổi phồng công dụng của sản phẩm này nên nhiều người tiêu dùng vẫn lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc, có thể dùng để trị bệnh.
Đây là cách hiểu rất sai lầm và nguy hiểm vì thực phẩm chức năng hoàn toàn không thể chữa trị loại bệnh nào, sản phẩm chỉ có chức năng hỗ trợ thêm cho cơ thể nhằm giảm nguy cơ bệnh tật mà thôi.
Vì thế nên trước khi đi đến quyết định dùng loại thực phẩm chức năng nào, hãy đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe và để biết được bạn có đang mắc bệnh gì hay gặp rắc rối nào đó về sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu hay không. Căn cứ vào kết quả này bác sĩ sẽ đưa ra những gợi ý để bạn lựa chọn dòng thực phẩm chức năng phù hợp.
Thêm nữa, dẫu không phải là thuốc nhưng nếu dùng quá liều thực phẩm chức năng cũng sẽ gây hại cho cơ thể. Dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo tờ hướng dẫn có trong vỏ hộp thuốc là điều mà bạn cần ghi nhớ.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội), người tiêu dùng cũng không nên quá tin vào những lời quảng cáo thổi phồng của thực phẩm chức năng. Theo lương y, nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng nói rằng sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên nên có chất lượng tuyệt đối an toàn và đồng nhất cho mọi sản phẩm. Tuy nhiên thực tế, để cho ra đời hàng loạt các sản phẩm làm từ các vị thuốc quý như nấm linh chi, nhân sâm, sữa ong chúa … để phục vụ khách hàng khắp thế giới, nhà sản xuất phải nuôi trồng, chứ không thể trông cậy từ thiên nhiên hoang dã. Và các nguyên liệu này sẽ cho chất lượng khác nhau tùy vào chất đất, khí hậu, quá trình chăm sóc, quy trình chế biến. Bởi vậy, chất lượng cho từng sản phẩm khó tương đồng nhau. Vì lẽ đó mà khi sử dụng thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cũng nên tự đánh giá. Sau một thời gian sử dụng nếu thấy sức khỏe được cải thiện theo hướng tốt thì tiếp tục dùng còn ngược lại thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trọng Thắng
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.