Bí mật của cá voi sát thủ cái

Bí mật của cá voi sát thủ cái

Nghiên cứu cá voi sát thủ có thể giúp hóa giải một bí ẩn lâu nay của nhân loại: tại sao phụ nữ phải trải qua tình trạng mãn kinh và sau đó mất khả năng sinh sản.

>> Cá voi sát thủ cũng bị mãn kinh

Cá voi sát thủ cũng trải qua thời kỳ mãn kinh giống con người

Bí mật của cá voi sát thủ cáiCá voi sát thủ cái đã qua giai đoạn mãn kinh thường được cả đàn tin cậy giao nhiệm vụ dẫn đường – (Ảnh: capitolotc.com)

Đặc điểm bất thường: Mãn kinh xảy ra ở mỗi phụ nữ, nhưng trong thế giới động vật, đó là một dấu hiệu vô cùng bất thường. Con người có thể vẫn tiếp tục cuộc sống sau khi ngừng sinh sản, nhưng đối với hầu hết loài động vật, đây cũng là thời điểm chúng chết đi. Một số loài linh trưởng, như khỉ nâu, orangutan, tinh tinh cũng trải qua giai đoạn này như người, trong khi loài voi và cá voi heo vây ngắn cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, chỉ có cá voi heo vây ngắn và cá voi sát thủ có thể sống tiếp thêm nhiều năm sau khi mất khả năng sinh sản.

Từ lâu ai cũng biết rằng đến một độ tuổi nào đó phụ nữ sẽ mất khả năng sinh sản. Giờ đây, giới khoa học tình cờ phát hiện cá voi sát thủ, loài đã tách khỏi loài người gần 94 triệu năm trong quá trình tiến hóa, cũng phải chịu đựng tình trạng mãn kinh, và điều này có thể cung cấp những manh mối quan trọng cho phép giới chuyên gia tìm hiểu lý do. Được biết, cá voi sát thủ là một trong số động vật hoang dã phải trải qua thời kỳ mãn kinh ở con cái, bên cạnh một số loài linh trưởng.

Trong chuỗi dài của lịch sử tiến hóa, sự xuất hiện của một đặc điểm rút ngắn khả năng sinh sản ở một loài luôn là đề tài gây tranh cãi của các chuyên gia sinh học, và hiện có không ít giả thuyết nhằm giải thích tại sao nó lại diễn ra ở loài người. Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Exeter và Đại học York (Anh) có thể giải mã nguyên nhân đằng sau sự xuất hiện của tình trạng mãn kinh, ít nhất là trong trường hợp của cá voi sát thủ. Họ phát hiện việc chấm dứt khả năng sinh sản ở con cái đã giải phóng sức ép sinh sản ở các thành viên kỳ cựu và đầy kinh nghiệm trong các đại gia đình, cho phép chúng dẫn dắt gia đình tìm kiếm nguồn thực phẩm, từ đó cải thiện khả năng sống sót của cả bầy.

Theo báo cáo trên chuyên san Current Biology, các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu các nhóm cá voi sát thủ trong tự nhiên sinh sống ngoài khơi bờ biển thuộc bang British Columbia và Washington trong 9 mùa di trú của cá hồi. Tổng cộng họ đã quan sát được 102 cá voi, 58 trong số này là con cái, và lưu ý vị trí của con đầu đàn khi chúng dàn trận săn cá hồi. Họ cũng sử dụng dữ liệu thu được trong 35 năm về dân số cá voi tại khu vực nhằm xác định những cá thể đã trải qua kỳ mãn kinh. Trung bình, cá voi sát thủ cái trên 35 tuổi đều trải qua quá trình này. Các nhà nghiên cứu phát hiện những cá thể đã qua độ tuổi sinh sản có khuynh hướng dẫn đầu đoàn trong mỗi đợt săn mồi. Và đặc biệt trong những năm số lượng cá hồi vơi đi, chúng càng đảm nhận vai trò đầu đàn thường xuyên hơn.

Kết quả rút ra từ cuộc nghiên cứu trên có thể giúp giải thích lý do tại sao chứng mãn kinh lại xuất hiện ở loài người, bởi nó cho phép phụ nữ lớn tuổi truyền đạt lại kiến thức và hỗ trợ chăm sóc các thành viên trẻ hơn. Giáo sư Darren Croft, nhà sinh thái học hành vi của Đại học Exeter cho hay ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy mãn kinh ở người là sự thích ứng trong quá trình sống. Còn đồng nghiệp của ông là tiến sĩ Lauren Brent phân tích rằng kết quả thu được cho thấy những cá thể đã qua độ tuổi sinh sản có thể hỗ trợ tốt cho bầy đàn bằng cách truyền lại kiến thức về sinh thái. Sự thông thái của những thành viên lớn tuổi ở phái yếu có thể giúp giải thích tại sao các cá voi sát thủ cái và phụ nữ cao tuổi vẫn tiếp tục sống lâu dù không còn năng lực kéo dài nòi giống.

 

Theo Thanh Niên