Bí mật của… chiếc mũi

Bí mật của… chiếc mũi

Một nghiên cứu mới đây cho thấy hàng triệu cơ quan thụ cảm bên trong mũi không nằm rải rác ngẫu nhiên mà phân bố có quy luật. Những cơ quan thụ cảm này nằm gom lại tại nhiều điểm “nóng” giúp não bộ phân biệt các mùi khác nhau.

Để thực hiện thí nghiệm, các nhà khoa học dán những cực dò lên mũi người tham gia, cho họ ngửi các mùi khác nhau và đo rung động của các dây thần kinh khứu giác.

Bí mật của… chiếc mũi
Một người tình nguyện đang được gắn các cực dò vào mũi trong nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu Don Wilson thuộc ĐH Y Khoa New York cho biết: “Phát hiện mới này cho thấy các tế bào thần kinh khứu giác đã xử lý một phần các thông tin về mùi hương trước khi đưa lên não. Giống như là mũi có một bộ não tí hon của riêng nó vậy.”

Cơ quan xử lý mùi hương trong mũi người nằm phía trên khoang mũi, có kích thước bằng một con tem, và có tên gọi là biểu mô khứu giác.

Trước đây, qua các thí nghiệm thăm dò mũi của loài chuột, các nhà khoa học phát hiện các cơ quan cảm thụ (dưới đây gọi tắt là thụ quan) mùi hương của chúng có thể được gom thành nhiều nhóm. Tương tự trên lưỡi, các thụ quan cũng được bố trí thành nhiều vùng, mỗi vùng có nhiệm vụ cảm nhận những vị khác nhau, như chua, ngọt, mặn…

Nhưng mũi của loài gặm nhấm có đến hơn 1.200 loại thụ quan, và chỉ cần một cực dò nhỏ xíu cũng kích thích hàng chục ngàn thụ quan khác, gây khó khăn cho việc sàng lọc tín hiệu chính xác.

Ở người có khoảng 400 loại thụ quan khác nhau, và việc gắn các cực dò để thực hiện thí nghiệm dễ dàng hơn nhiều.

Một nhóm nghiên cứu đã tiến hành để 80 người tình nguyện ngửi nhiều chất có mùi khác nhau, cả mùi thơm lẫn mùi hôi.

Qua tập hợp dữ liệu của 801 ghi ghép từ các nghiên cứu trên, nhóm phát hiện một số vùng của biểu mô khứu giác có khả năng cảm thụ mùi nhạy hơn những vùng khác.

Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số điểm nóng có thể phân biệt được mùi thơm và mùi hôi.

Nhà nghiên cứu Wilson cho biết: “Thật ngạc nhiên, phát hiện này cho thấy biểu mô khứu giác được điều chỉnh để nhận biết nhiều thông tin khác nhau. Hiện chúng tôi chưa xác định được chức năng của những vùng này là gì, nhưng kết quả của nghiên cứu là rất thú vị.”

 

Theo Vietnamnet