Bí mật của chim cánh cụt

Bí mật của chim cánh cụt

Đã lỡ chọn định cư tại nơi băng giá nhất địa cầu, chim cánh cụt phải có “chiến lược” cụ thể để đánh bại cái rét khủng khiếp, nhất là khi mùa đông Nam cực kéo dài đến 6 tháng. Ở đây, tụ tập đông đảo là vấn đề sống chết.

>> Chim cánh cụt Nam Cực giảm nghiêm trọng
>> Chim cánh cụt đảo Hoàng Đế biến mất

Các thành viên trong đàn luôn đứng sát rạt nhau đến nỗi chuyện di chuyển trong đám đông chật kín này là điều gần như bất khả thi. Tuy nhiên, trên thực tế, chim cánh cụt buộc phải thực hiện những chuyển động chọn lọc. Những thành viên ở vòng ngoài sẽ chết cóng nếu chúng không liên tục di chuyển vào phía trong của bầy. Vấn đề là sự tái cấu trúc nhóm liên tục và có chọn lọc diễn ra như thế nào? Và làm sao cả triệu thành viên có thể lê bước thay đổi chỗ mà không giẫm đạp lên nhau? Câu trả lời: chim cánh cụt thật sự là chuyên gia về vật lý thực hành.

Bí mật của chim cánh cụt
Ảnh: Robyn Mundy.

Kết quả phân tích cho thấy chim cánh cụt – cụ thể là loài chim cánh cụt hoàng đế – di chuyển xuyên bầy giống như cách sóng âm truyền âm qua môi trường chất lỏng, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều. “Cứ mỗi 30 đến 60 giây, tất cả thành viên đều bước những bước nhỏ (5 – 10 cm) giống như một gợn sóng diễn ra cả bầy”, nhà vật lý học Daniel Zitterbart của Đại học Erlangen-Nuremberg (Đức) miêu tả trên chuyên san PLoS ONE. Với cách chuyển động đồng bộ và chính xác như vậy, không một thành viên nào trong đàn bị hất văng ra ngoài, nói chi đến chuyện bị đạp chết. Điều này khác với những gì xảy ra ở loài người. Dù cũng có xu hướng di chuyển theo kiểu làn sóng như chim cánh cụt, nhưng những đợt sóng trong đám đông loài người không hề xảy ra cùng lúc mà luôn có thể rơi vào tình thế hỗn loạn và mất trật tự, gây nguy hiểm cho một số cá nhân không may.

 

Theo Thanh Niên