Bí mật của Người đà điểu

Sống tít trên đỉnh cao heo hút của rặng núi Chiruwa (Zimbabwe), bộ lạc Vadoma gần như cách biệt hoàn toàn với văn minh nhân loại. Cũng vì lẽ đó mà trải qua hàng nghìn năm, xứ sở của những người có 2 ngón chân tẽ ra hình chữ V vẫn là bí ẩn bao phủ lớp sương dày.

Bộ tộc kỳ lạ với bàn chân chỉ có 2 ngón khổng lồ

Cho đến hiện tại, số người biết tới bộ tộc thuần chủng Vadoma (Doma) ở vùng núi châu Phi heo hút may ra chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cân nhắc lắm, ông Charles Sutton ở thị trấn Banstead (Surrey, Anh) – một trong những người da trắng đầu tiên có “hân hạnh” diện kiến Vadoma – mới quyết định kể lại cái lần ông chạm trán bộ tộc Người đà điểu.

Năm 1951, chàng trai trẻ Charles quyết tâm rời bỏ Surrey để tới miền nam Rhodesia. Tại đây, Charles tham gia lực lượng cảnh sát Nam Phi (lúc này vẫn chịu sự cai trị của Anh) và được thuyên chuyển công tác tới một trong những vùng hoang vu hẻo lánh nhất.

Đó cũng là lần đầu tiên Charles nghe nhắc tới Vadoma – bộ tộc của những người chân 2 ngón, còn gọi là Người đà điểu, vì đôi chân và cách đi lại của họ khá giống đà điểu. Những đôi chân kỳ lạ, khi đưa lên kẹp đồ, trông chả khác gì chiếc càng tôm hùm. Vậy nên, các bộ tộc xung quanh gọi họ là người Tôm Hùm. Không ngăn nổi tò mò, chàng cảnh sát trẻ quyết định thuê một thổ dân người Mozambique làm thông ngôn kiêm hướng dẫn, sau đó “hai thầy trò” thẳng tiến tới Chiruwa.

“Từ ánh lửa bập bùng, tôi nhìn thấy rõ sự ngạc nhiên tột độ hằn in trên nét mặt anh chàng thổ dân Vadoma” – Sutton nhớ lại lần đầu chạm trán thành viên thuộc bộ tộc 2 ngón. “Sau đó tôi mới biết rằng, mình là người da trắng đầu tiên mà anh chàng này được gặp, và cũng là người da trắng đầu tiên mò mẫm tới vùng núi hoang vắng này”.

Người Vadoma nói tiếng Chikunda (một dạng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) và tiếng Kore Kore – thổ ngữ của bộ tộc Mkorekore, sống chủ yếu bằng nghề săn bắn, bẫy thú hoang, câu cá, nhặt quả rừng, kiếm mật ong…

“Những người đàn ông du mục nổi tiếng là tò mò mà cũng chạy biến khi thấy sự xuất hiện của người lạ mặt. Chỉ có duy nhất một thành viên tỏ ra điềm tĩnh lạ kỳ – người sau này tôi mới biết là tộc trưởng. Ông ta mời tôi uống bia – một món làm từ quả rừng, được nấu sôi trong 7 ngày liên tiếp”.

“Dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Đàn bà địu con trên lưng, họ gần như ở trần ngoài một miếng vải con che cơ quan sinh dục. Đàn ông cũng chỉ đeo khố mỏng. Và chính lúc này đây, tôi bắt đầu để ý một người có đôi bàn chân kỳ lạ: mỗi chân thiếu hẳn 3 ngón giữa, 2 ngón còn lại xòe ra như chân đà điểu”.

Dị tật của thổ dân Vadoma – chỉ xuất hiện ở những người mang dòng máu thuần chủng của bộ tộc – xuất phát từ hiện tượng biến dạng nhiễm sắc thể số 7. Tồn tại hàng nghìn năm, chân 2 ngón vẫn di truyền qua nhiều thế hệ bởi nó là lợi thế giúp thổ dân leo trèo dễ dàng.

Người Doma vẫn kể sự ra đời của bộ tộc mình bằng một câu chuyện truyền thuyết. Rằng, xưa kia, đã từ lâu lắm, người mẹ vĩ đại đã sinh ra một cậu bé chỉ có 2 ngón chân.

Người trong bộ lạc thấy cậu bé này thì vô cùng sợ hãi. Họ nghĩ đây là quỷ, chứ không phải người bình thường. Sau khi bàn bạc, bộ lạc đã quyết định giết cậu bé.

Thế nhưng, đứa trẻ thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4… sinh ra, vẫn chỉ có 2 ngón, y như đứa trẻ đầu tiên.

Lúc này, tù trưởng mới nói với bộ lạc rằng, đây không phải là những con quỷ, mà là một giống người mới. Thượng đế đã sinh ra những người mới này, để thay thế cho những người cũ kỹ trên trái đất.

Mặc dù chỉ có 2 ngón, song những người trong bộ lạc này đều khỏe mạnh. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, chiếu chụp và thấy cấu tạo xươngcốt của họ hoàn toàn bình thường.

Với đôi chân hai ngón, họ chạy không được nhanh, cứ bì bà bì bạch. Thế nhưng, họ lại có khả năng leo cây như khỉ. Hai ngón chân kẹp vào cành như gọng kìm và leo thoăn thoắt.

Với những bàn chân kỳ quặc như thế, bộ tộc này không thể dùng giày dép. Họ chỉ có thể đi giày với thiết kế riêng và mỗi bàn chân một loại.

Họ có cuộc sống hoang dã, phụ thuộc vào săn bắn, bẫy thú rừng, khai thác mật ong, hái quả để ăn.


Chụp x-quang cho thấy xương cốt của họ phát triển bình thường.

Cách ly với văn minh nhân loại, không trường học, không dịch vụ y tế, người dân Vadoma dường như vẫn rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Có lẽ đó cũng là lý do bộ tộc Người đà điểu còn tồn tại nguyên vẹn đến tận ngày nay.

 

Theo Tổng hợp