Bí mật về bản năng “bác sĩ” của động vật

Bí mật về bản năng

Con tinh tinh Hugo hái chiếc lá sắc cạnh và thô ráp của cây Aspilia. Nó cẩn thận gập lá đưa vào mồm và cố nuốt chửng với vẻ mặt khổ sở như đang uống thuốc đắng. Quả thật, đây là thuốc tẩy ký sinh trùng đường ruột của Hugo.

Trong thế giới hoang dã có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài động vật như bệnh tật, chấn thương… Làm thế nào để chúng đối phó được với những nguy cơ đó? Các nhà khoa học đã phát hiện bản năng “tự điều trị” bệnh bằng các loại lá cây, đất, đá của các loài động vật hoang dã.

Các nhà khoa học tại vườn thú quốc gia Gombe (Tazania) sau một thời gian theo dõi cặp tinh tinh tại đây đã phát hiện: Con tinh tinh có tên Hugo rất hay đi tìm lá cây Aspilia cho dù đây không phải là loại thức ăn ưa thích của nó. Loại cây này có gai, lá sắc cạnh và thô ráp. Hugo hái lá Aspilia nhưng không ăn theo cách thông thường. Nó cẩn thận gập lá đưa vào mồm và cố gắng nuốt chửng với vẻ mặt nhăn nhó khổ sở giống như cách chúng ta uống một loại thuốc rất đắng để chữa bệnh.

Các nhà khoa học quan sát thấy con tinh tinh sau đó thải ra những chiếc lá Aspilia nguyên vẹn, trên có nhiều ổ ký sinh trùng (lây nhiễm trong đường ruột của con tinh tinh này). Tập hợp các bằng chứng cho thấy, hành vi dùng lá cây Aspilia để tẩy ký sinh trùng của tinh tinh là hoàn toàn có tính toán; chúng ăn lá cây này không phải để lấy năng lượng.

Những ghi nhận về khả năng tự điều trị trong thế giới tự nhiên đã có từ xa xưa. Nhiều tài liệu thời Trung Hoa, La Mã cổ đại mô tả các loài động vật như mèo và chó chọn ăn một số loại cỏ cây khi bị ốm. Loài tinh tinh ở khu vực này sử dụng tới gần 20 loại lá cây khác nhau (cũng có dạng thô ráp) theo cùng một cách để đối phó với nhiều loại bệnh.

Nhà khoa học Cindy Engel trong cuốn sách “Wild health” đã đưa ra rất nhiều minh họa đáng ngạc nhiên về khả năng đối phó với chấn thương, bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng… của các loài động vật hoang dã. Theo đó, chúng đã dùng rất nhiều cách khác nhau để tự bảo vệ sức khỏe như sử dụng lá cây, đất, đá và cả côn trùng. Nếu so sánh với vật nuôi trong nhà như cừu (một năm được chủ tẩy giun sán một lần) thì động vật hoang dã ít ký sinh trùng hơn, và có sức đề kháng mạnh hơn.

Ông cho rằng, nếu như con người không ai uống thuốc khi khỏe mạnh thì động vật cũng chỉ tự điều trị khi bị ốm đau. Loài khỉ đầu chó ở Ethiopia là một ví dụ. Chúng chia làm hai nơi sinh sống ở phía trên và dưới thác nước. Loài sống dưới thác nước thường xuyên phải sử dụng lá cây Balanite để tẩy ký sinh trùng (do chúng bị lây nhiễm từ loài ốc suối), trong khi loài sống phía trên không bao giờ ăn loại lá cây này.

Không chỉ các loài cỏ cây được động vật dùng làm thuốc. Loài voi ở núi lửa Elgon (Tây Kenia) sử dụng một loại đá để chống chọi với bệnh tật. Đường vào khu vực có loại đá này rất hiểm trở, có thể tử nạn bất cứ lúc nào, nhưng cũng không ngăn được các thế hệ voi ở đây vào chữa bệnh. Chúng dùng ngà xúc đá xốp ở đó, dùng răng nghiền và nuốt chúng. Loại đá mềm này có hàm lượng natri cao gấp 100 lần những loại thực vật thông thường, lại rất giàu kali, canxi. Natri là một nguyên tố quan trọng trong quá trình trao đổi chất, đặc biệt là chống độc tố. Nhưng vì sao voi lại biết sử dụng chúng để tự chữa bệnh, đó vẫn là một bí mật.

Một phát hiện khác cũng khá thú vị ở loài voi, đó là cách chúng chống lại trạng thái stress. Voi là một loài động vật khá thông minh. Chúng có thể bị stress khi gặp những bất ổn trong khu vực sinh sống như bị săn đuổi, môi trường sống thu hẹp, hoặc bạn đời chết. Các nhà khoa học đã phát hiện voi sử dụng một số loại quả chín đã lên men, sau đó rơi vào tình trạng “say xỉn” trong thời gian có biểu hiện bị stress. Họ cũng tính toán, với trọng lượng khổng lồ của một chú voi, nếu “quy” ra rượu thì phải cần tới 2 lít mới có thể làm cho chúng ngà ngà.

Loài vượn cáo ở Madagasca có khả năng “dùng thuốc” trong thời gian mang thai. Một tuần trước khi sinh nở, chúng ăn loại lá cây Fihamy và Kily, có hàm lượng tannin cao. Theo các nhà khoa học thì chất này giúp tăng cường khả năng miễn dịch của nó và tránh bị sẩy thai.

Một số loài động vật khác ở Ruwarda dùng đất sét, đất mối đùn hoặc một số loại gỗ mục để đối phó với bệnh đau bụng. Để đối phó với côn trùng như bọ chét, rận… hay ký sinh trùng trong máu, loài khỉ cọ xát vào một loại sậy chứa độc tố giúp giết côn trùng bám trên lông của nó.

Trong thực tế, con người đã học được nhiều từ bản năng tự chữa bệnh của động vật. Ví dụ, nhiều thày lang địa phương ở Tazania đã sử dụng lá cây Aspila để chữa bệnh đau bụng, kháng khuẩn, tẩy các động vật ký sinh cho dân chúng trong vùng.

Các nhà khoa học cho rằng có đến 80% các loại thuốc bắt nguồn từ tự nhiên. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu khả năng tự chữa bệnh của động vật hoang có thể sẽ mang đến cho con người nhiều loại thuốc quý hơn nữa.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress