Bạn có thể nâng cao khả năng được nhận học ở bậc sau đại học nếu hồ sơ của bạn được chuẩn bị chu đáo, thể hiện sự tìm hiểu sâu sắc về ngành học, trường học…
-
1
Chọn trường đủ tiềm năng
Hiện nay, chương trình học thạc sĩ ở nhiều nước rút ngắn chỉ còn 1 năm nhưng việc chuẩn bị hồ sơ cho khóa học lại khá dài hơi và căng thẳng.
Bước đầu tiên khi chọn trường học sau ĐH, bạn phải xem xét nhiều yếu tố quan trọng. Bạn Hoàng Lan Anh, thạc sĩ ngành nghiên cứu phát triển ĐH East Anglia (Anh), kể ra một số yếu tố đó như sau: Danh tiếng của trường trong lĩnh vực mà bạn muốn nghiên cứu, sự đầu tư cho nghiên cứu và các chuyên ngành nghiên cứu nói chung; chất lượng của các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và trang thiết bị; trợ cấp, học bổng hiện có của trường hoặc các dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực ứng dụng, người hướng dẫn.Bước kế tiếp, khi chọn khóa học, chương trình nghiên cứu, bạn Nguyễn Thị Thu Trang – thạc sĩ thương mại chuyên ngành tài chính và quản lý dự án, ĐH Sydney – cho rằng: Bạn cần tìm hiểu các thông tin về cấu trúc của một khóa học, giáo trình môn học, người giảng dạy, hình thức kiểm tra và yêu cầu đạt được sau khóa học trên trang web của các trường. Bạn cũng có thể hình dung ra mình sẽ thu nhận được gì và tự đánh giá xem khóa học có phù hợp với mục tiêu của mình hay không. Còn theo bạn Hoàng Lan Anh, để tiếp cận các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực mà mình học, hãy trao đổi với điều phối viên của khoa hoặc nhân viên phụ trách tại khoa mà bạn muốn đến nghiên cứu. Họ sẽ đưa ra lời khuyên về các lựa chọn và những cách tiếp cận đề tài nghiên cứu. Có thể bạn cần phải đi làm để lấy kinh nghiệm trước khi bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu đó.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhiều cựu du học sinh, một số vấn đề bạn phải lưu ý là khi liên hệ tìm người hướng dẫn nên chọn những người có học vị tiến sĩ nhưng chưa phải là giáo sư hoặc phó giáo sư vì họ thường rất bận; nên liên hệ nhiều người vì có thể không phải người nào bạn liên hệ cũng nhận lời…
-
2
Nhặt lỗi trong hồ sơ du học
Bước làm hồ sơ cũng rất quan trọng. “Một hồ sơ tốt là một hồ sơ được chuẩn bị chu đáo, thể hiện được thí sinh đã có những tìm hiểu sâu sắc trong quá trình hoàn thiện” – Judith Powell, nhân viên hành chính chương trình sau ĐH, ĐH Oxford Brookes (Anh), cho biết. Theo Judith Powell, hồ sơ phải toát lên được rằng bạn hiểu rõ về khóa học, về các yêu cầu đầu vào cũng như sự đáp ứng được của bạn đối với các điều kiện đó. Thể hiện sự hiểu biết về môn học hoặc chuyên ngành mà bạn muốn theo học và đưa ra được giải thích vì sao bạn yêu thích lĩnh vực này. Điều quan trọng cần chú ý là các trường rất quan tâm đến sự cống hiến của người học. Do đó, hồ sơ phải chỉ ra rằng các kinh nghiệm học tập của bạn có thể đem lại những đóng góp tích cực cho lớp học, khóa học hoặc có thể giúp ích cho bạn phát triển những kiến thức đã tích lũy được; chứng minh được bạn sẽ làm việc trong lĩnh vực chuyên ngành mà bạn chọn học bằng việc đưa ra một số kinh nghiệm làm việc đã có; liên hệ giữa chuyên ngành mà bạn chọn học với các nghiên cứu đã thực hiện, nhu cầu được đào tạo thêm, mong muốn cũng như kế hoạch tương lai…
Bạn cũng nên lưu ý một số lỗi dễ mắc phải mà các nhân viên tuyển sinh sau ĐH của các trường rất dị ứng. Các lỗi thường gặp mà bạn cần tránh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, theo nhân viên Judith Powell, đó là: Các lỗi chính tả, cấu trúc thiếu logic, thông tin cung cấp chung chung, không dành riêng cho khóa học, trường học mà bạn đang dự tuyển. Bạn có ít hoặc không có kiến thức về ngành học mà bạn chọn. Các ý tưởng không phải của bạn (đạo văn)…