Có nhà triết gia ví von: “Hôn nhân giống như bạn đang đạp xe, dù bạn có chú ý thế nào thì đôi lúc cũng không tránh khỏi bị ngã chỉ với một viên sỏi trên đường”. Vậy làm thế nào để ngồi lên xe, lấy lại thăng bằng để đi tiếp suốt đoạn đường dằng dặc? Dưới đây là 16 bí quyết để tham khảo, phần nào giúp bạn giữ vững mối quan hệ gia đình.
-
1
Tin tưởng nhau
Đã là vợ chồng thì điều này lại càng cần hơn bao giờ hết. Để người bạn đời có thể tin mình, bạn cần phải chân thành, nên kiềm chế thói quen phán xét, bắt bẻ, chỉ trích tật xấu của nhau. Đừng quá nghi ngờ để rồi tự mình hành hạ mình
-
2
Hãy thẳng thắn chuyện trò
Đừng ngốc nghếch biến mình thành “con mồi” cho hội chứng “nếu anh ấy (cô ấy) yêu tôi, anh ấy (cô ấy) phải biết tôi muốn gì?”.Làm sao có thể đòi hỏi người bạn đời khi nào cũng có thể đọc hết được những ý nghĩ của mình. Hãy nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình.
-
3
Nói với nhau nhiều hơn
Trong cuộc sống vợ chồng, hàng ngày hãy dành ra ít nhất gần 30 phút để nói chuyện với nhau. Chuyện thời tiết, công việc, xã hội, nuôi dạy trẻ … thậm chí chuyện nhà hàng xóm mới mua cái quạt điện mới. Đừng dè sẻn lời nói. Hãy làm người nghe hoặc người nói những gì mình nghĩ. Khi đối thoại với nhau, các bạn sẽ hiểu tâm trạng , suy nghĩ, cảm xúc của bạn đời ẩn sau mỗi lời nói.
-
4
Cố gắng gần gũi nhau
Sự gần gũi ở đây không chỉ dừng lại ở khía cạnh tình dục. Nói chuyện, chia sẻ với nhau cũng là một cách. Hãy thường xuyên đi ăn trưa cùng nhau hơn. Và làm sao để mỗi ngày đều có những giây phút dành riêng cho nhau.
-
5
Không cãi nhau trước mặt con
Tranh luận với nhau là một điều hết sức tự nhiên, thậm chí là điều cần thiết. Tuy vậy, không được cãi nhau trước mặt con cái vì lũ trẻ luôn học những gì chúng thấy ở bố mẹ.
-
6
Chấp nhận tính cách của nhau
Bi còn có viên tròn viên méo. Dù là vợ chồng, dẫu có quen thuộc nhau đến đâu chăng nữa, chắc chắn vẫn có những quan điểm khác nhau. Mỗi người sẽ giải toả sự căng thẳng, lo lắng một cách không giống nhau. Chính sự khác nhau này là những điều tuyệt vời giúp giữ cho cuộc sống gia đình hấp dẫn, sinh động hơn. Đương nhiên đừng quá “khác người” để cá tính đó trở thành… mối đe doạ.
-
7
Biết nhận lỗi
Nếu bạn cứ khăng khăng đóng vai một “chiến sĩ đấu tranh” cho lẽ phải mà không chịu nhường nhịn nhau, bạn sẽ chỉ làm thương tổn cuộc sống gia đình. Thay vì như vậy, hãy tỉnh táo học cách nhận ra lỗi của mình .
-
8
Tránh thoá mạ
Đã bao giờ bạn cảm thấy bị thoá mạ mà không biết phải làm gì để bảo vệ mình chưa? Bạn có quyền phản ứng. Tuy nhiên, đừng để cho cơn phản ứng của bạn nổ ra ngay tức khắc mà hãy nói: “Những điều anh (em) nói khiến em (anh) thấy bị xúc phạm”. Nếu bạn không thể phản ứng một cách hợp lý, hãy ra ngoài, hít thở thật sâu, đi bộ một lát để “xả” bớt “van nóng”. Chỉ nên nói sau khi bạn đã bình tĩnh trở lại.
-
9
Đừng “cả giận mất khôn”
Hãy kiểm soát mọi hành động của mình trong 1 tuần bằng cách hãy viết lại mỗi khi bạn giận dữ- Như vậy bạn sẽ biết ai làm mình phiền lòng? Tại sao và điều gì đã xảy ra mỗi khi bạn tức giận? Nếu làm như vậy, bạn có thể nén được “cơn tam bành” trước khi chưa quá muộn.
-
10
Đừng “tích tiểu thành đại”
Nhiều người cố không để lộ sự tức giận của mình, gắng nhịn để… cho qua mọi chuyện. Làm như vậy, những “cơn giận nhỏ” sẽ tích tụ lại thành “cơn lớn”. Sẽ thật nguy hiểm khi “cơn sóng lớn” này nổ ra. Đây là điều không nên. Khi cả hai đã bình tâm, hãy ngồi lại, nói suy nghĩ, quan điểm với nhau.
-
11
Nếu cảm thấy cần phải cãi nhau, hãy “cãi nhau cho đẹp”
Hầu như chẳng có cặp vợ chồng nào suốt đời không tranh luận nảy lửa. Song có một số điều tối kỵ ngay cả khi “cuộc chiến” đang gay cấn. Đó là: “Tôi muốn li dị”. Câu buột miệng đe doạ này khiến cho người bạn đời hiểu rằng: Bạn không coi trọng anh ấy (cô ấy) và cuộc sống gia đình. Người ấy sẽ nghĩ: “Tại sao mình lại phải cố cứu vãn sự bất hoà trong khi “họ “không thiện chí”?
“Hoá ra anh (cô) cũng là một kẻ chẳng tử tế gì!”. Câu này sẽ làm người kia tổn thương rất lâu ngay cả khi cuộc cãi vã đã qua đi.
-
12
Biết giữ bí mật
Đừng bao giờ đem những điều mà người bạn đời kể với bạn trong lúc tâm sự ra làm vũ khí chống lại đối phương. Nên nhớ: Không phải cứ là vợ chồng thì chuyện gì cũng phải kể. Ví như chuyện với người yêu cũ, chuyện ai đó đã từng yêu bạn nồng cháy ra sao… Đừng dại dột mà kể với bạn đời. Chẳng có ích gì hết. Lòng nghi ngờ, ghen tuông sẽ sẵn sàng “ngóc đầu” dậy bất kỳ khi nào.
-
13
Cùng bàn bạc vấn đề tài chính
Tiền bạc có lẽ là một trong những vấn đề thường xuyên nhất gây nên sự bất đồng trong cuộc sống gia đình. Thay vì tranh cãi xem ai tiêu những gì, hãy cùng nhau tập trung vào vấn đề dàn xếp cuộc sống sao cho ổn thỏa với thu nhập thực tế của cả hai. Các bạn đã đầu tư tiền bạc như thế nào? Có nên lập kế hoạch cho những thay đổi lớn?… Nếu thường xuyên trao đổi với nhau như vậy, bạn sẽ tránh được những cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trong gia đình
-
14
Thẳng thắn với nhau về “chuyện ấy”
Tình dục, dù sao vẫn là chủ đề khó nói. Tuy nhiên nên nhớ: Dù đối phương có yêu bạn đến thế nào chăng nữa, anh ấy (cô ấy) cũng không thể đoán được làm như thế nào sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Không nên chịu đựng những cảm giác khó chịu. Hãy cởi mở với nhau.
-
15
Đừng để công việc, chuyện gia đình ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Đôi khi đời sống tình dục của các cặp vợ chồng bị sự căng thẳng trong công việc và những trách nhiệm làm ảnh hưởng. Nhiều trường hợp, một thời gian dài vợ chồng bạn không gần gũi nhau vì những lý do không đầu không cuối.Hãy cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách điều hoà lại chuyện đó.
-
16
Lời khuyên riêng cho các nàng dâu: Hãy học cách sống với bố mẹ chồng
Không nên sử dụng chồng như một người trung gian. Hãy nên tiếp xúc trực tiếp và tạo nên một mối quan hệ thân mật với nhà chồng. Hãy tìm hiểu họ nhiều hơn, gần gũi hơn nữa, tôn trọng họ như bố mẹ đẻ. Chắc chắn bạn sẽ tạo được ấn tượng.