Ngoài nồi bánh chưng, vại dưa hành muối nén, cây giò xào … thì bát canh măng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc.
-
1
Chọn măng khô ngon:
Để chọn được măng ngon, các bạn chú ý chọn loại có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách và có độ bóng láng. Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm một số tiêu chí khác như: đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, đốt măng nhiều… Khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được là loại măng được phơi và sấy tự nhiên. Mùi thơm của măng đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.
Ngược lại, măng được ngâm, sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi hắc, khét (mùi diêm sinh), măng sẽ không có màu vàng tự nhiên mà có thể ngả màu đậm, miếng măng bóng, bắt mắt. Để mua được măng ngon nên chọn mua măng khô được bảo quản trong túi nilon có nhãn mác, địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng măng đã bị hỏng, mốc để chế biến thức ăn.
Có 2 loại măng khô chính là: măng lưỡi lợn và măng lá. Khi ăn măng lưỡi lợn sẽ cho cảm giác dày miếng và giòn sần sật còn măng lá thì sẽ ngấm gia vị hơn. Tùy sở thích để bạn có thể chọn loại măng mình muốn nấu.
-
2
Cách ngâm măng khô
– Bước 1: Đầu tiên, cần rửa măng thật sạch.
– Bước 2: Đổ đầy nước vào ngâm trong một đêm.
– Bước 3: Sáng hôm sau, đổ hết nước cũ đi.
– Bước 4: Sau đó, các bạn cần rửa lại từng cái măng một, nếu rửa không kĩ thì măng sẽ rất dễ bị chua.
– Bước 5: Đổ ngập nước vo gạo vào để ngâm măng và đến cuối ngày, các bạn lại phải làm lặp bước 3, bước 4 như ở trên. Rồi bắt đầu từ đây, ngâm măng bằng nước thường hay nước gạo cũng được nhưng chú ý là ngày nào cũng phải rửa măng và thay nước.Thời gian ngâm vào khoảng 1 tuần.
-
3
Cách luộc măng khô
– Măng khô sau khi ngâm khoảng 1 tuần, cho măng vào rổ, để măng ráo nước thì cho vào nồi nước và đun sôi cho đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất là một giờ với lửa trung bình. Sau đó, tiếp tục gạn hết phần nước đã đun, cho thêm nước mới và đun trong khoảng 1 giờ nữa để măng mềm đều. Trong quá trình đun, nếu thấy nồi măng cạn nước, phải châm thêm nước vào sao cho măng luôn phải ngập trong nước. Cho một nhúm muối hột vào luộc cùng măng sẽ nhanh mềm hơn.
– Khi măng đã chín mềm, vớt măng ra, cho vào rổ để ráo nước và đợi đến khi măng nguội hoàn toàn thì xé măng thành từng sợi mỏng, tiếp tục rửa lại bằng nước sạch. Lúc này, phần măng khô đã sẵn sàng cho việc chế biến các món ăn.
-
4
Cách bảo quản măng khô
Nếu không sử dụng hết lượng măng khô đã luộc chín, bạn có thể cho chúng vào túi buộc kín và bảo quản trong tủ lạnh. Thời hạn sử dụng măng khô trong trường hợp này là một tuần nếu để ở ngăn mát và khoảng hơn một tháng nếu cho vào ngăn đá.
-
5
Cách nấu canh măng sườn cho mâm cỗ Tết
Nguyên liệu
– 400g sườn non
– 200g măng khô đã ngâm nở
– Hành lá, muối, đường, hạt nêm, nước mắm, hành khô.
Cách làm:
Bước 1:
– Sườn non chặt khúc vừa ăn, đun nồi nước sôi cho sườn vào chần sơ để loại bỏ tạp chất.
– Rửa sườn lại cho thật sạch, cho sườn vào nồi thêm vào một ít muối, đổ nước lạnh ngập mặt, đun sôi thì hạ nhỏ lửa hầm trong 1 tiếng.
Bước 2:
– Măng rửa qua nước cho thật sạch, bỏ phần măng già, cắt khúc ngắn.
– Cho măng vào luộc với 1 nhúm muối. Nước sôi để thêm một lúc rồi thay nước mới. Làm như vậy vài lần đến khi măng không ra nước vàng nữa là được. Vớt măng ra rổ để ráo nước.
– Hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 3:
– Đun nóng một ít dầu ăn phi hành thơm, cho măng chua vào xào, nêm vào một ít muối, đường, đun khoảng 5-7 phút.
– Cho tiếp sườn và phần nước hầm vào nồi, đun sôi, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
– Tắt bếp, thêm hành lá thái nhỏ vào, chần thêm phần hành củ trắng xếp lên trên để trang trí.
Ngoài nấu với sườn, măng khô cũng có thể nấu với móng giò, thịt ngan cũng rất ngon!