Đừng nghĩ rằng nhà cửa sạch sẽ là trách nhiệm chỉ của riêng bạn. Nhất là trong những ngày gần Tết, khi bố mẹ bận bù đầu với công việc thì hầu hết trẻ đều đã được nghỉ học nhưng thường không phải động tay động chân tí nào vào công việc “cực nhọc” này. Sao bạn không thay đổi cái lệ ấy đi nhỉ.
-
1
Lôi kéo con.
Hãy để con cảm thấy vai trò “quan trọng” của mình, bé sẽ hăng hái giúp bạn (Ảnh: Inmagine)
Trẻ sẽ rất thích nếu được trở thành 1 “chuyên gia”, kể cả là chuyện gia lau bàn hay chuyên gia rửa cốc chén, vậy nên bạn hãy phân công để bé cùng tham gia vào 1 công đoạn lao động nào đó cùng cả nhà. Khi cảm nhận được vai trò thật “quan trọng” và cần thiết của mình, con bạn sẽ hăng hái tham gia.
Tuy vậy đừng cố lừa trẻ con dọn nhà, cũng đừng nói theo kiểu ra lệnh. Thay vào đó, hãy “bình đẳng” hơn: “Cả nhà mình cùng nhau dọn dẹp để nhà mình thật sạch và đẹp đón Tết nhé,” và cụ thể công việc hơn: “Con muốn dọn thú nhồi bông vào tủ trước hay dọn truyện tranh lên kệ trước?” Như thế sẽ vừa giúp xóa đi cảm giác dọn nhà là việc nặng nề, vừa giúp con biết chính xác phải bắt đầu từ đâu và hoàn thành như thế nào là đạt yêu cầu.
-
2
Tổ chức lại.
Bố mẹ hãy giúp con hiểu khái niệm “gọn gàng, ngăn nắp” bao gồm cả quản lý thời gian, biết quý trọng và giữ gìn đồ chơi, quần áo cũng như các đồ đạc khác… Thêm vào đó, khi không gian sống ngăn nắp gọn gàng thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái và bớt căng thẳng hơn.
Hãy chắc rằng phòng của con được thiết kế thuận lợi cho con có thể tự giữ nó gọn gàng. Con có thể dễ dàng với lên thanh tủ không? (Nếu không thì bé sẽ khó tự treo quần áo lên được.) Con đã biết cách gấp quần áo chưa? Con đã có những thùng/ rổ có dán nhãn và đặt ở nơi thuận tiện để biết phải cất gì vào đâu và tìm chúng ở đâu chưa? Nếu con có quá nhiều đồ chơi, hãy dọn bớt những món mà bé không thường chơi sang chỗ khác (kho/ phòng sinh hoạt chung…). Đó là những bước đầu tiên bạn cần chuẩn bị để con có thể đỡ đần cho bố mẹ trong việc giữ nhà cửa sạch đẹp.
Việc quan trọng tiếp theo là bạn hãy cùng con lên 1 danh sách những việc cần làm và dán ở nơi dễ nhìn (trên cánh cửa tủ lạnh chẳng hạn), và sau khi hoàn thành việc nào thì gạch việc đó đi. Như vậy bé (và tất cả mọi người khác) sẽ có những hình dung nhất định về công việc phải làm để có thể sắp xếp và theo dõi sao cho không sót việc.
-
3
Tạo niềm vui.
Như vậy, con đã biết mình cần làm những việc gì và cần làm như thế nào. Đã đến lúc xắn tay áo lên rồi. Bố mẹ hãy bật vài bản nhạc xuân hay những bản nhạc vui tạo không khí làm việc vui vẻ và để con cảm thấy rằng dọn dẹp nhà cửa nên là niềm vui của cả gia đình chứ không phải việc đày ải. Bạn cũng luôn phải ghi nhớ rằng thái độ của bố mẹ (mà đặc biệt là mẹ) sẽ ảnh hưởng đến cả bầu không khí trong nhà đấy nhé
.
(Ảnh: Inmagine)
Bố mẹ hãy biến việc dọn dẹp thành trò chơi của cả gia đình, vì trẻ con rất thích chơi, thích thắng và tự hào về bản thân. Bạn có thể nói, “Hãy xem xem ai dọn được nhiều đồ chơi hơn nào, mẹ con mình cùng đua nhé!” Để bé thắng, bé sẽ thấy rất tự hào về mình và sẽ muốn đua tiếp nữa. Nhưng hãy cẩn thận với việc để những đứa trẻ tự đua với nhau – bố mẹ có thể biết đường để “nhường” nhưng trẻ con thì thể nào cũng sẽ dẫn đến tiết mục tị nạnh lẫn nhau và bạn sẽ phải mất thời gian phân xử. Thay vào đó, hãy để chúng cùng làm việc với một mục tiêu chung, như: “Hai chị em chịu trách nhiệm dọn gọn gàng sạch sẽ chỗ này trong 10 phút rồi mình sẽ ăn kem nhé.”
Và đôi khi, để lên tinh thần cho con, bạn có thể đãi bé cùng cả nhà 1 món gì đó ngon ngon hoặc 1 đích nhắm sau đó. (Có rất nhiều thứ bạn có thể dùng làm “mồi câu” đấy.) Nhưng bạn cũng cần cho bé hiểu rằng không phải nhiệm vụ nào cũng cần phần thưởng; có những việc mà chúng ta nên làm vì sự quan tâm lẫn nhau và quan tâm đến gia đình, và phần thưởng có thể sẽ là có quần áo sạch để mặc hay (vẫn còn) đồ chơi để chơi cùng.