Vào những ngày Tết chế độ ăn uống sinh hoạt của mọi người thường bị đảo lộn và dễ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa. Cùng xem những bí kíp giúp bạn không phải nhập viện vào ngày Tết.
Vào ngày Tết , bạn thường nạp vào cơ thể rất nhiều chất như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng….Những thực phẩm này thường chứa chất béo khôgn có lợi cho sức khỏe. Đồng thời lượng rau xanh trong ngày Tết nạp vào cơ thể ít hơn so với các loại khác. Để đón xuân thêm vui vẻ, các bạn cần phải giữ gìn sức khỏe để phòng tránh các bệnh tiêu chảy cấp, tiêu hóa có thể xảy ra.
-
1
Không tích trữ quá nhiều thực phẩm
Vào ngày Tết các gia đình thường có thói quen tích trữ thực phẩm nhưng việc tích quá nhiều thực phẩm có thể khiến thực phẩm bị hỏng do để quá lâu. Điều này có thể làm thực phẩm bị mất chất và có thể dẫn đến tiêu chảy cấp.
Bệnh lý tiêu chảy do nhiều nguyên nhân như: do vi trùng (trong đó có bệnh dịch tả), do các loại ký sinh trùng đường ruột; độc tố vi trùng hoặc virus sinh ra; các hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt sâu, rầy, côn trùng và chất bảo quản thực phẩm…) hoặc các loại thực phẩm bị ngoại nhiễm.
Bệnh tiêu chảy thường gặp vào các dịp lễ Tết hoặc những buổi tiệc đông người. Nguyên nhân có thể do việc ăn uống các loại thực phẩm như uống rượu, bia, nước giải khát….bảo quản không tốt, hết hạn sử dụng. Hoặc các loại thực phẩm rau, củ tồn dư lưu lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, khi người dân mua về sử dụng, rửa không sạch, khi ăn vào bị tiêu chảy cấp.
Đồng thời các loại thực phẩm bị ngoại nhiễm, khi bảo quản không tốt như thức ăn để qua đêm, rau củ bị hỏng do ngày Tết người dân thường mua dự trữ nhiều. Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen chế biến rất nhiều thức ăn trong các ngày lễ, Tết, sử dụng trong ngày không hết đã để dành, tái chế để dùng tiếp nên bị tiêu chảy do vi trùng, virus hoặc do độc tố vi trùng tồn tại trong thức ăn hư… Người trẻ thì uống rượu, bia liên tục, dễ gây tiêu chảy do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn và rối loạn tiêu hóa….Do vậy các gia đình nên lưu ý chỉ mua thức ăn vừa đủ vì qua 3 ngày Tết thì các chợ đã hoạt động. Bạn có thể mua thực phẩm tươi hơn.
-
2
Sai lầm khi không cho bệnh nhân tiêu chảy uống nhiều nước
Với những người sau khi ăn hoặc uống các thức ăn bị nhiễm khuẩn vài giờ người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng khó tiêu, cảm giác đầy bụng, khó chịu và xuất hiện tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân luôn bị mất nước, do đó phải uống bổ sung nước: Nếu có sẵn nước Oresol, pha 1 gói với 1 lít nước đun sôi để nguội cho bệnh nhân uống theo nhu cầu. Nếu không có Oresol, cho bệnh nhân uống nước đun sôi để nguội hoặc nấu nước cháo muối, pha nước đường muối cho bệnh nhân uống.
Nếu bệnh nhân không giảm tiêu chảy, ói nhiều, mệt, vọp bẻ, tiểu ít hoặc không tiểu được, toàn thân giá lạnh, nói thều thào không ra lời hoặc bệnh nhân lớn tuổi, kèm theo bệnh mạn tính (tim mạch, phổi…), phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Người bệnh chú ý ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như: Cháo thịt, cháo cá, sữa; tránh các thức ăn để qua đêm, các món nhiều dầu mỡ, đạm, rau củ tươi sống, các thức uống có gas, cồn.
Một trong những sai lầm là không cho bệnh nhân tiêu chảy uống nhiều nước vì thấy ói nhiều quá, không cho uống nước, dẫn đến tình trạng mất nước nhiều và nặng, gây tụt huyết áp, dễ tử vong. Kế đến là dùng thuốc cầm tiêu chảy (thuốc tây và thuốc đông y, bài thuốc dân gian, gia truyền) dễ gây chướng bụng, liệt ruột do thuốc làm cho bệnh diễn tiến nặng thêm, khó đánh giá độ mất nước và bệnh hồi phục chậm hơn. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân sống một mình, ở xa, nhất là đối với người cao tuổi, có kèm bệnh mạn tính, khi bị tiêu chảy gây mất nước và rối loạn điện giải, dễ đưa đến sự cố tim mạch, gây tử vong nếu đưa đi cấp cứu trễ.
Đây là những vấn đề các gia đình nên chú ý để không phải nhập viện vào những ngày Tết!