Chuột được thừa nhận là một loài gặm nhấm hoàn hảo. Các nhà khoa học chứng minh rằng chuột vượt mặt tất cả họ hàng trong bộ gặm nhấm của mình, kể cả sóc và hải ly.
Điều chuột có thể gặm bất cứ thứ gì thì loài người đã biết từ lâu. Nhưng vì sao chúng lại “tài” như vậy? Tại sao các loài gặm nhấm khác như hải ly lại không làm được dù hải ly có thể gặm quanh gốc làm đổ cả một cây cổ thụ lớn và xây những chiếc đập rất hoàn hảo?
Một số nhà khoa học quốc tế từ Anh, Pháp và Nhật đã giải thích rằng bộ gặm nhấm chia thành 2 nhóm lớn. Một nhóm gặm bằng cách dùng răng cửa sắc như dao tiện ví dụ sóc và hải ly. Nhóm kia chỉ yếu là nhai, dùng răng hàm là chính, đó là lợn biển và nhím. Trong khi đó chuột kết hợp được cả hai khả năng đó đồng thời và giỏi như nhau. Chúng vừa gặm vừa nhai.
Chuột chiếm “ngôi vương” trong các loài gặm nhấm.
Các nhà khoa học đã lập mô hình máy tính mô phỏng hoạt động của hộp sọ và hệ cơ của chuột để phân tích hàm của chúng chuyển động ra sao. Sau đó họ tạo ra những con vật ảo, ví dụ sọ chuột nhưng cơ hải ly. Làm như vậy để tìm hiểu những đặc tính nào về mặt giải phẫu học đã khiến cho chuột có những ưu việt vượt trội so với các đối thủ.
Rốt cuộc người ta thấy rằng: “các cơ bắp của của chuột ngày càng phát triển sao cho chúng có thể nhai một cách hiệu quả hơn so với lợn biển và gặm giỏi hơn so với sóc, mặc dù rằng hai loại này cũng là những tay chuyên nghiệp về kỹ năng chuyển động hàm theo cùng một kiểu”.
Thực ra, điều này cũng chẳng có gì lạ, vì điều kiện sống không đòi hỏi chúng phải có những ưu điểm vượt trội: sóc ăn chủ yếu là hạt dẻ, quả thông chỉ phải cắn vỡ lớp vỏ rất cứng, còn lợn biển chỉ nhai cỏ dưới đáy biển mà thôi.
Bà Natasha Jefferi, Trường ĐH Liverpool nói với Tạp chí Livescience: “Điều đó giải thích vì sao chuột (kể cả chuột cống và chuột nhắt) lại thành công đến như vậy cũng như tại sao chúng có khả năng gây hại khủng khiếp: chúng ăn tạp, hầu như chẳng bao giờ cần chọn lọc thực phẩm vì vậy cũng huỷ hoại tất cả các loại vật liệu”.
Theo Vietnamnet