Một thí nghiệm nhằm tìm cách giúp các nhà du hành thích nghi với cuộc sống trên sao Hoả té ra có thể giúp những người bị rối loạn giấc ngủ trên trái đất.
Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đã yêu cầu phòng thí nghiệm của tiến sĩ Charles Czeisler (giám đốc chương trình Division of Sleep Medicine tại Trường Y Harvard ở Boston) tìm cách để giúp các nhà du hành thích nghi với cuộc sống trên sao Hoả – nơi một ngày dài khoảng 24 giờ 39 phút, tương ứng với 24,65 giờ.
Việc mỗi ngày dài gần 25 tiếng như vậy đủ khiến hầu hết công dân trái đất rơi vào trạng thái mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng học, ghi nhớ đồ vật, phản ứng nhanh và ngủ.
Tiến sĩ Charles Czeisler |
Nhóm của Czeisler đã kiểm tra 12 tình nguyện viên khoẻ mạnh tuổi từ 22 đến 33 – những người duy trì thường xuyên giấc ngủ 8 tiếng mỗi ngày và 16 tiếng thức liên tục tại nhà trong ít nhất 3 tuần. Họ nhận thấy độ dài ngày sinh học trong nhóm phân bố từ 23,47 tiếng cho đến 24,48 tiếng, tức là chênh nhau đến một giờ.
Nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của những tình nguyện viên này cứ sau mỗi giờ và phát hiện thấy những người có đồng hồ sinh học ngắn hơn thì giải phóng hoóc môn melatonin gây ngủ từ 4 đến 5 tiếng trước giờ đi ngủ bình thường của họ. Ngược lại, những người có ngày sinh học dài bất thường không giải phóng melatonin cho mãi đến 1 tiếng trước khi lên giường.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sử dụng máy tính trong đêm, làm việc muộn tại văn phòng hoặc các dạng tiếp xúc khác với ánh sáng mạnh có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học của một người nào đó, khiến anh ta khó ngủ hơn.
Vì thế, nhóm của Czeisler đã kiểm tra các tình nguyện viên theo cách tương tự, sử dụng hai lần tiếp xúc với ánh sáng mạnh, mỗi lần kéo dài 45 phút, trong vòng 30 ngày. Kết quả là những người tình nguyện đã thích nghi thành công với độ dài ngày sao Hoả, Czeisler nói.
Điều đó cũng có nghĩa là trị liệu bằng ánh sáng có thể giúp những người bị chứng mất ngủ, gây ra bởi việc có đồng hồ sinh học dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường.
T. An
Theo Reuters, Vnexpress